Liên quan đến dự thảo nghị định thay thế các nghị định kinh doanh xăng, dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã trao đổi về một số nội dung mới của dự thảo.
- Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế 3 nghị định về kinh doanh xăng, dầu hiện nay. Dự thảo mới có nội dung bảo đảm việc điều hành vừa theo cơ chế thị trường vừa đáp ứng cơ chế quản lý của nhà nước đối với mặt hàng này như thế nào, thưa bà?
- Dự thảo Nghị định xác định rõ mục tiêu điều hành là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nguyên tắc điều hành là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng, dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng, dầu.
Một số điểm mới trong dự thảo nghị định là đưa ra công thức giá bán xăng, dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá, quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Dự thảo quy định việc bình ổn giá xăng, dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024), quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
Dự thảo cũng bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu; đồng thời bỏ quy định về kinh doanh dịch vụ xăng, dầu cùng nhiều điều kiện khác bảo đảm cải cách hành chính...
- Thị trường xăng, dầu sau một thời gian phát triển đã có khoảng 300 thương nhân tham gia phân phối. Bên cạnh việc giúp thị trường phát triển, bảo đảm tính cạnh tranh, đã có rủi ro nào?
- Các thương nhân phân phối xăng, dầu được hình thành và phát triển trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối nhiên liệu, tạo nên một hệ thống phân phối hoàn chỉnh bắt đầu từ khâu tạo nguồn (nhập khẩu, mua của nhà máy sản xuất) - phân phối - bán lẻ.
Hoạt động của thương nhân phân phối thời gian qua bộc lộ một số điểm mà qua quá trình kiểm tra, thanh tra và điều tra, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã chỉ ra.
Đó là việc cho phép thương nhân được mua xăng, dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp), làm tăng thêm chi phí trong khâu này, là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng, dầu ra thị trường.
Việc mua bán giữa các thương nhân phân phối với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng, dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng, dầu của nhiều thương nhân phân phối, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
Ngoài ra, thương nhân mua bán xăng, dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng, dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
- Theo dự thảo nghị định mới, các thương nhân phân phối không được mua bán xăng, dầu với nhau. Tại sao phải quy định rõ ràng trong việc mua bán của đơn vị phân phối như vậy?
- Để giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối, dự thảo thiết kế theo hướng bỏ quy định mua bán xăng, dầu giữa các thương nhân với nhau, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường.
Qua đó giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu tính toán chính xác được lượng nhiên liệu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước. Cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hằng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.
- Có nhiều ý kiến đưa ra là nếu quy định như vậy là không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường… Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào về nội dung này?
- Một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối xăng, dầu không được mua bán xăng, dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường, gây ra phản ứng cho rằng bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, kinh doanh xăng, dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh.
Việc quy định thương nhân phân phối xăng, dầu không được mua bán xăng, dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối).
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.