Với việc hạ ngầm đường dây, đường cáp đi nổi, nhiều tuyến phố của thành phố Hà Nội trở nên thoáng đãng, đẹp hơn. Tuy nhiên, tại nhiều ngõ, ngách nhỏ vẫn còn những cụm dây điện, cáp thông tin quấn thành từng búi mà người dân quen gọi là “rác” trời, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng, chống cháy nổ.
“Rác” lơ lửng ở nhiều ngõ nhỏ
Ở nhiều ngõ, ngách nhỏ, khu tập thể cũ của thành phố Hà Nội, hình ảnh những búi cáp thông tin vắt ngang, dọc qua cột điện rồi kéo vào nhà dân khá phổ biến.
Đơn cử, tại quận Cầu Giấy, đi sâu vào các ngõ: 165 phố Cầu Giấy, 29 phố Dịch Vọng, 5 phố Trần Thái Tông...; các loại dây cáp đi nổi khá nhiều, có trường hợp còn cuộn thành búi lớn nhìn rất mất mỹ quan. Còn tại quận Ba Đình, “rác” trời cũng tấn công các ngõ 465, 467 phố Hoàng Hoa Thám với hàng trăm sợi dây điện, cáp viễn thông giăng như "mắc cửi".
Tương tự, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trên địa bàn quận Đống Đa cho thấy, có nhiều ngõ nhỏ có đường dây điện hạ thế chằng chịt, cáp viễn thông chồng chéo chưa được thanh thải, sắp xếp, nhìn rất lộn xộn...
Tại khu vực ngách 143/72 phố Chợ Khâm Thiên, ngõ 34 phố Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa), "rác" trời khá nhiều. Đây là những ngõ, ngách có lối đi nhỏ, trong khi đó đường dây điện, cáp viễn thông đi nổi sát với ban công nhà dân, nhiều đoạn cáp viễn thông võng xuống, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân trong khu vực.
Theo thống kê của UBND quận Đống Đa, hiện có một số khu vực đường dây điện, cáp viễn thông chưa bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Đó là khu vực ngách 123/24 phố Khương Thượng; ngõ 178 phố Thái Hà; cuối ngõ hồ Hố Mẻ; ngõ 23 phố Đặng Tiến Đông...
Bên cạnh đó, tại khu vực nhà tập thể số 69-71 ngõ Thịnh Hào I, tuyến phố Đông Các, ngõ Giếng…, đường điện đi sát nhà dân do không có vỉa hè, cộng thêm cáp viễn thông “ăn theo” đường điện nên tình trạng mất an toàn tăng lên.
Cần sớm dọn dẹp "rác" trời
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung cho biết, phường thường xuyên có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Cầu Giấy; các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp có phương án khắc phục, lên kế hoạch thanh thải, sắp xếp đường dây cáp viễn thông, truyền hình tại ngõ, ngách chưa đủ điều kiện hạ ngầm.
Dù đã có nhiều chuyển biến, song hiện một số ngõ, ngách vẫn tồn tại dây điện, cáp viễn thông đi nổi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn... Phường sẽ tiếp tục đề nghị các đơn vị có kế hoạch xử lý, bó gọn dây cáp, bảo đảm an toàn cho người dân.
Nhằm cải thiện tình trạng "rác" trời, UBND quận Đống Đa đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND 12 phường phối hợp với Công ty Điện lực Đống Đa rà soát, giải quyết những "điểm nóng", vị trí có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là ở ngõ, ngách có đường dây điện hạ thế, cáp viễn thông chồng chéo, chưa được thanh thải, sắp xếp.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực quận Đống Đa Lê Viết Hải cho biết, công ty thường xuyên làm việc với chính quyền địa phương, đồng thời liên tục kiểm tra các điểm trọng yếu về đường dây điện để phòng, chống cháy nổ. Hằng đêm, cán bộ của Công ty Điện lực quận Đống Đa kiểm tra cột điện bằng súng đo nhiệt độ để sớm phát hiện và xử lý kịp thời sự cố.
Đối với điểm tập trung nhiều búi dây quanh cột điện hoặc trong khu dân cư, ngõ nhỏ chật hẹp, có nguy cơ cháy nổ, mang tính cấp thiết thì công ty ưu tiên thanh thải, sắp xếp lại. Ở những khu vực chưa thực sự cấp thiết, chưa ảnh hưởng đến cháy nổ thì công ty sẽ đưa vào chương trình thành phố giao hạ ngầm hay thanh thải trong thời gian tới. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, sẽ có 27 tuyến phố trên địa bàn quận Đống Đa phải hạ ngầm dây đi nổi.
Theo ông Lê Viết Hải, hiện có 16 đơn vị viễn thông sử dụng cột điện của Công ty Điện lực Đống Đa để kéo nối vào các nhà dân nên mới xuất hiện tình trạng dây cáp viễn thông võng xuống hoặc những búi dây to vắt qua nhà dân.
"Dù công ty đã có văn bản mời các nhà mạng phối hợp thanh thải các loại dây không còn giá trị sử dụng nhưng đa phần những đơn vị này không xác nhận tài sản của họ nên công ty buộc phải thuê đơn vị môi trường thu gom, xử lý dây cũ trên tuyến có cột điện. Đây là vấn đề khó giải quyết nhất trong nhiều năm qua mà đơn vị đang vướng mắc", ông Lê Viết Hải nói.
“Ma trận” cáp viễn thông quấn quanh dây, cột điện vẫn tiếp tục là vấn đề bức xúc. Về lâu dài, ngành Điện lực cần phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh thải, sắp xếp lại hệ thống dây, tránh tạo "điểm nóng", nguy cơ cao về cháy nổ.
Còn về phía các nhà mạng, nếu không chủ động thanh thải, thu hồi dây cũ, hỏng, cứ "vô tư" chồng dây mới lên thì “rác" trời sẽ không bao giờ được giải quyết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, quản lý phải có những biện pháp xử lý quyết liệt, chế tài xử phạt nghiêm minh, mang tính chất răn đe để chấm dứt hành vi tạo “rác” trên cao làm nhem nhuốc bộ mặt đô thị, nguy hiểm cho người dân.
Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 20-4-2023 của UBND thành phố Hà Nội về hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu hoàn thành hạ ngầm đồng bộ đường dây đi nổi trong khu vực 4 quận nội đô: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và đề xuất giải pháp, nguồn vốn triển khai các tuyến còn lại. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, viễn thông tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tiếp tục triển khai hạ ngầm tại khoảng 300 tuyến phố, trong đó, ưu tiên huy động nguồn vốn doanh nghiệp xã hội hóa để hoàn thành hạ ngầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.