Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ: Thế nào là phù hợp?

Quỳnh Phạm| 16/07/2013 06:36

(HNM) - Trước mỗi mùa thi đại học, cao đẳng, sự thay đổi trong quy chế tuyển sinh thường gây chú ý bởi có liên quan tới quyền lợi của thí sinh, tới công tác tuyển sinh của mỗi trường.

Muốn tự chủ hơn trong xét tuyển, tuyển thẳng

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của kỳ thi năm nay là thêm quy định tuyển thẳng đối với các học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế, học sinh trong đội tuyển tham dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế. Sát kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013, Bộ GD-ĐT còn có thông báo cho phép 20 học sinh lớp 12 đoạt giải Hội thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2013 được xét tuyển thẳng. Cùng với việc tuyển thẳng trở lại đối với học sinh giỏi cấp quốc gia vào mùa tuyển sinh trước (sau nhiều năm gián đoạn), số thí sinh được ưu tiên năm nay đã tăng lên đáng kể.

Giám thị hướng dẫn thí sinh ghi giấy thi. Ảnh: Viết Thành


Khẳng định mặt tích cực của chủ trương nói trên là tạo động lực cho học sinh học tập, ôn luyện, song nhiều trường vẫn không khỏi băn khoăn. Trường ĐH Y Hà Nội năm nay nhận được 81 hồ sơ tuyển thẳng, trong khi năm ngoái chỉ có khoảng 10 hồ sơ. Hầu hết hồ sơ đăng ký ngành bác sĩ đa khoa, vốn là ngành có điểm đầu vào cao nhất. Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của nhà trường cho rằng, số tuyển thẳng nhiều như vậy đã làm thu hẹp cơ hội của nhóm thí sinh phải thi, hơn nữa, chất lượng đầu vào chưa chắc phù hợp. Ông Nguyễn Đức Hinh lấy ví dụ: Từng có thí sinh đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia nhưng không thể vượt qua mức điểm sàn trong kỳ thi ĐH. Nếu được tự chủ trong vấn đề này, ĐH Y Hà Nội sẽ chỉ tuyển thẳng đối với các thí sinh đoạt giải nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Với chính sách ưu tiên xét tuyển thí sinh thuộc các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, nhìn chung các trường đều tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng này. Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay có 38 chỉ tiêu cho tất cả các ngành. Trường hợp thí sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, trường sẽ xét theo điểm trung bình chung lớp 12 của các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán và lấy điểm từ cao xuống cho đến hết chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hồi đồng tuyển sinh nhà trường, trong số thí sinh thuộc diện này, đúng là có một số em cần có sự hỗ trợ thêm để có thể theo kịp chương trình song trường nhận thấy hầu hết rất quyết tâm học tập. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vẫn có sự sàng lọc hằng năm để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Về quy định đào tạo bổ sung cho các thí sinh xét tuyển, Chủ tịch Hội đồng thi Trường ĐH Thương mại, ông Đinh Văn Sơn cho rằng, Bộ GD-ĐT nên trao cho trường quyền chủ động xác định thí sinh nào nên phải học thêm, học cái gì cho phù hợp với ngành đào tạo và học lực của các em.

Thay đổi thứ tự môn thi

Kỳ thi năm 2013, lần đầu tiên thứ tự các môn thi có sự thay đổi, các môn tự luận đều thi vào buổi sáng. Theo ông Nguyễn Văn Kim, với khối C, thay đổi này là hợp lý. Môn địa, được coi là có phần nhẹ nhàng hơn văn, sử, được bố trí thi trước tiên sẽ tạo tâm lý thoải mái cho các thí sinh bước vào đợt thi. Tuy nhiên, đây là lần đầu thay đổi nên các cán bộ làm công việc liên quan tới đề thi đã phải tập trung cao độ để tránh nhầm lẫn, nhất là khi việc giao nhận đề thường diễn ra vào lúc 4h sáng.

Còn với khối B, ông Nguyễn Đức Hinh cũng đồng tình với điều chỉnh này và cho rằng, môn tự luận thi buổi sáng đầu tiên là rất hợp lý. Thời tiết sáng còn mát mẻ, thí sinh vẫn còn sung sức, giờ thi kết thúc muộn cũng đỡ cho thí sinh phải kéo dài thời gian vạ vật buổi trưa để chờ tới buổi thi chiều. Buổi chiều, thí sinh thi trắc nghiệm nên có thể kết thúc ngày thi sớm hơn.

Đa số các trường được hỏi đều đồng tình với việc thí sinh sẽ chỉ được phát 3 giấy chứng nhận điểm có dấu đỏ. Một chuyên gia tuyển sinh khối C khẳng định: Với 3 bản giấy chứng nhận, những thí sinh có năng lực và quyết tâm học đã đủ cơ hội chọn trường, chọn ngành. Như vậy, thí sinh sẽ có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình, lại giảm được nhiều khó khăn cho các nhà quản lý.

Tuy nhiên, khi đề cập tới việc Bộ GD-ĐT không cho phép thuê điểm thi ở các trường tiểu học, đại diện các Hội đồng tuyển sinh đều cho rằng đó là quy định bất cập. Bởi, nếu không thuê các trường tiểu học thì các điểm thi sẽ ở xa trụ sở, gây khó khăn trước tiên cho công tác vận chuyển đề thi. Thời gian từ lúc các điểm thi nhận đề cho tới lúc phát đề có hạn, khoảng cách tới điểm thi xa, phát sinh nhiều rủi ro không lường hết được. Đây sẽ là một bài toán khó với các trường.

Rõ ràng là với những quy định mới, thực tế tổ chức thi là sự kiểm nghiệm sát thực, tạo cơ sở cho việc chỉnh sửa tiếp theo nhằm mục tiêu tổ chức những kỳ thi ĐH, CĐ an toàn, chất lượng và công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ: Thế nào là phù hợp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.