Trái tim nhân ái

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: Tận tâm, minh bạch và kịp thời

Thu Minh thực hiện 19/07/2023 - 07:30

6 tháng đầu năm 2023, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện được hơn 40% chỉ tiêu kế hoạch năm. Để hoàn thành gần 60% chỉ tiêu còn lại, từ nay đến cuối năm, quỹ sẽ phải nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với phương châm: “Tận tâm, minh bạch, kịp thời, cùng tham gia”. Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Đinh Tiến Hải đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.

tre-em.jpg
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (huyện Ba Vì).

- Năm 2023, chỉ tiêu kế hoạch của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là vận động được 110 tỷ đồng để hỗ trợ cho 110.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn quốc, thông qua các chương trình hỗ trợ, giúp bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản về trẻ em. Việc này đã được triển khai ra sao, thưa ông?

- Thực hiện kế hoạch này, trong 6 tháng đầu năm 2023, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vượt lên mọi khó khăn do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh..., nỗ lực phấn đấu và đạt được trên 40% so với kế hoạch. Thời gian tới, cấp ủy, Ban Giám đốc quỹ quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Việc phải thực hiện gần 60% kế hoạch năm 2023 từ nay đến cuối năm là một thách thức rất lớn. Chúng tôi xác định phải nỗ lực vượt ngưỡng, đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Trước hết, kiên trì đồng hành cùng các nhà tài trợ truyền thống đã cam kết gắn bó cùng với quỹ thực hiện mục tiêu lâu dài trong công tác trẻ em. Thứ hai, tổ chức nhiều sự kiện trao quà ở những nơi khó khăn, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như sự tham gia của nhà tài trợ. Phương châm hoạt động của chúng tôi là tận tâm, minh bạch, kịp thời, cùng tham gia.

Qua các sự kiện, mục tiêu của quỹ là tạo ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, góp phần tăng nguồn lực xã hội bên cạnh nguồn lực vận động tài trợ truyền thống. Trên thực tế, chúng tôi đã và đang định hướng chuyển sang vận động xã hội, tiếp cận với các nền tảng công nghệ mới, kêu gọi cộng đồng xã hội cùng tham gia. Tất cả nhằm mở rộng khả năng huy động, tiếp cận nguồn lực xã hội nhanh, rộng và sâu, thực hiện chuyển đổi số trong mọi hoạt động.

- Vậy, hoạt động tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động của quỹ được thực hiện cụ thể ra sao, thưa ông?

- Chuyển đổi số là con đường tất yếu. Với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, thứ nhất, chúng tôi tăng cường kết nối với các nền tảng trên mạng xã hội như TikTok, Facebook... Quỹ đã thành lập bộ phận triển khai công tác này một cách chuyên nghiệp. Chúng tôi đào tạo cho mỗi cán bộ, nhân viên đều là một tuyên truyền viên, có kỹ năng chuyên nghiệp như phóng viên, có thể sử dụng công nghệ hiện đại để quay hình ảnh, sản xuất clip, phóng sự truyền hình… trong quá trình đi công tác, góp phần lan tỏa hoạt động của quỹ trong cộng đồng xã hội, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của nhà tài trợ, qua đó hỗ trợ tối đa các em nhỏ cần được trợ giúp.

Thứ hai, chúng tôi hiện đại hóa quá trình vận hành hoạt động, bắt đầu từ việc số hóa tài liệu, chuẩn hóa thông tin, quy trình, tạo thành cơ sở dữ liệu sử dụng lâu dài trên nhiều nền tảng. Đơn cử như dữ liệu về nhà tài trợ, về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần trợ giúp, về những trẻ em đã được trợ giúp và theo dõi các em đến khi trưởng thành.

Trước đây, khi cá nhân, tổ chức ủng hộ cho quỹ, sẽ phải nhớ số điện thoại, nhớ số tài khoản hoặc địa chỉ liên hệ. Nay, chỉ cần quét mã QR là đã kết nối thẳng vào tài khoản, dễ dàng cho hoạt động kết nối tài trợ một cách công khai, minh bạch, hiệu quả.

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn tài chính huy động từ xã hội để đạt hiệu quả cao nhất?

- Trước hết, phải khẳng định rằng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và ngày càng quan tâm nhiều hơn. Nhờ đó, các quyền cơ bản của trẻ em cũng ngày càng được thực hiện tốt hơn. Nhưng nếu chỉ trông chờ ngân sách, nhiều việc sẽ thành gánh nặng. Việc huy động xã hội chung tay đóng góp cho mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em không chỉ giảm gánh nặng ngân sách, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp, nâng cao nhận thức xã hội về công tác trẻ em.

Hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Thành lập từ năm 1992, trong 31 năm qua, những chương trình ý nghĩa như “Trái tim trẻ thơ”, hỗ trợ các trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam liên vùng, chương trình “Phẫu thuật nụ cười” cho trẻ em, chương trình hỗ trợ trẻ bị teo cơ tủy sống… đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả.

Hiện nay, các hoạt động của quỹ đang tập trung vào một số nhóm vấn đề, đặc biệt là về giáo dục, bao gồm hỗ trợ trẻ em học tập, tặng xe đạp, dụng cụ học tập, tặng học bổng, trang bị kỹ năng, nâng cao nhận thức xã hội cho các em dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Quỹ cũng thực hiện các dự án xây trường, xây lớp, xây nhà nội trú, bán trú ở những khu vực vùng sâu, vùng xa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: Tận tâm, minh bạch và kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.