(HNM) - Đó là ý kiến của BHXH Việt Nam trước tình trạng liên tục tăng số lao động đăng ký thất nghiệp. Cụ thể từ đầu năm 2012 đến nay, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp gần bằng tổng số người tham gia đóng BHTN năm 2011 (trên 7,9 triệu người).
Số người thất nghiệp năm 2009 là 5,993 triệu người, năm 2010 là 7,206 triệu người, năm 2011 là 7,931 triệu người. Riêng ở Hà Nội, đại diện Phòng BHTN Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm 2012 đến hết tháng 4-2012 đã có 7.324 NLĐ đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và 6.894 NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cứ với đà này thì cuối năm 2012 số lao động đến đăng ký thất nghiệp sẽ tăng rất cao so với con số 16.000 lao động đăng ký thất nghiệp năm 2011. Điều đáng nói là độ tuổi lao động từ 25 đến 40 tuổi đăng ký thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khiến số lượng người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng. Ảnh: Trọng Hải |
Tại các tỉnh, thành phố có nhiều lao động như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh cũng ở tình trạng chung như vậy. Tỉnh Bình Dương có số người đăng ký thất nghiệp khá cao so với cả nước và tính đến hết tháng 4-2012, đã có 95.875 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Đồng Nai có trên 53.000 lao động thất nghiệp; Đà Nẵng có 14.503 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; tỉnh Thanh Hóa, trong 4 tháng đầu năm đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 424 lao động, tăng 80% so với năm 2011. Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2010, có 51.952 người thất nghiệp; năm 2011 có 89.701 người thất nghiệp; 3 tháng đầu năm 2012 có 36.000 người thất nghiệp. Trung bình có 600-700 người đăng ký thất nghiệp trong ngày tại 6 điểm đăng ký ở thành phố. Khoảng 90% số đó là lao động có mức lương thấp làm việc tại các KCN, KCX, DN vừa và nhỏ.
Trước thực trạng các DN phá sản ngày càng nhiều làm gia tăng người thất nghiệp khiến nhiều chuyên gia về lao động đã bày tỏ sự lo lắng về việc vỡ Quỹ BHTN. Lý giải điều này, đại diện các cơ quan có trách nhiệm cho rằng tình trạng lao động thất nghiệp thực sự không nhiều. Đa số họ đến đăng ký để hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp chứ không thực sự thiếu việc. Nhiều lao động đã có chỗ làm mới nhưng chưa vào nhận việc hoặc chưa ký hợp đồng khi vẫn còn điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều ý kiến còn cho rằng người thất nghiệp tăng là do thiếu cơ chế, thiếu sự chặt chẽ trong luật nên nhiều trường hợp bị phát hiện đã có việc làm nhưng vẫn hưởng BHTN. Cụ thể, theo TTGTVL Hà Nội, sự thiếu chặt chẽ trong luật là cơ hội để NLĐ và DN trục lợi thể hiện qua cách: DN thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ để NLĐ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó DN lại tái tuyển dụng chính lao động đó làm việc. Tại khoản 3 Điều 81 của Luật BHXH về BHTN chưa nêu rõ cách xác định NLĐ chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với cơ quan BHTN.
Việc xác định này chủ yếu dựa vào sự trung thực của NLĐ nên cần phải điều chỉnh một số quy định trong Luật BHXH về BHTN.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết thêm những người thất nghiệp hầu hết là lao động phổ thông mà nhu cầu của các DN về lao động phổ thông rất lớn nên họ rất dễ xin việc làm mới. Nhiều lao động di cư muốn nghỉ việc ở thành phố về quê làm việc mới nhằm giảm chi phí thuê nhà, ăn, ở đắt đỏ nên cũng làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể vỡ Quỹ BHTN. Hiện nay Quỹ BHTN vẫn an toàn với số dư là 14.638 nghìn tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.