(HNM) - Với 169 phiếu thuận, 133 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Thượng viện Italia vừa chính thức thông qua chính phủ mới. Đó là liên minh giữa 3 đảng gồm: Phong trào 5 sao (M5S), đảng Dân chủ (PD), đảng Tự do và công bằng (LeU), tiếp tục do Thủ tướng Giuseppe Conte đứng đầu.
Đây là chính phủ thứ 66 của Cộng hòa Italia và là chính phủ thứ hai trong nhiệm kỳ Quốc hội (5 năm) của quốc gia này.
Việc Quốc hội lưỡng viện Italia chấp thuận chính phủ mới được xem là dấu ấn tích cực nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại "đất nước hình chiếc ủng". Trước đó, quốc gia Nam Âu này đã rơi vào bế tắc sau khi đảng cực hữu Liên đoàn (Lega) rút khỏi liên minh với đảng M5S và đề xuất bầu cử sớm. Sau động thái này, ông G.Conte đã tuyên bố từ chức Thủ tướng, buộc Tổng thống Italia Sergio Mattarella phải tiến hành các cuộc tham vấn với tất cả các chính đảng để tìm giải pháp. Tuy nhiên, đảng M5S và PD sau đó đã đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ liên minh mới, giúp Italia không phải tổ chức bầu cử trước thời hạn. Tổng thống S.Mattarella cũng chỉ định ông G.Conte tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng trong chính phủ mới.
Cơ cấu chính phủ liên minh mới đã được Quốc hội Italia thông qua gồm 21 bộ, tăng thêm 3 bộ. Trong đó, quyền lực giữa các chính đảng được cân bằng khi M5S giữ 10 ghế bộ trưởng, PD có 9 ghế và LeU giữ 1 ghế. Mặt khác, những vị trí bộ trưởng được bổ nhiệm lần này cho thấy sự tính toán rất kỹ về hướng đi của chính phủ đương nhiệm. Cụ thể, vị trí Bộ trưởng Nội vụ được trao cho bà Luciana Lamorgese, một luật sư trung lập, người được xem là có khả năng "mềm hóa và minh bạch cơ cấu tổ chức nội bộ". Trong khi đó, ông Roberto Gualtieri, vốn là nhà kinh tế học làm Bộ trưởng Tài chính, có khả năng giúp Italia vực dậy nền kinh tế. Ông Gualtieri không chỉ là Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Nghị viện châu Âu mà còn là thành viên Ban Chỉ đạo về vấn đề Brexit của EU.
Vị trí Bộ trưởng Ngoại giao tiếp tục do ông Luigi Di Maio đảm nhận, điều được giới phân tích đánh giá cao. Bởi đây là sự bảo đảm bất biến trong các chính sách đối ngoại mà Italia đang theo đuổi. Tuy nhiên, việc cựu Thứ trưởng Ngoại giao Enzo Amendola được bổ nhiệm làm Bộ trưởng đặc trách các vấn đề châu Âu lại được xem là tín hiệu thay đổi mạnh mẽ, cho thấy Rome đang có sự điều chỉnh lớn trong các mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, Italia đang hướng đến mục tiêu trở thành một thành viên quan trọng trong giai đoạn tái khởi động và làm mới EU. Nếu có được tiếng nói trong EU, Rome có thể chủ động giảm các ràng buộc của khối đối với vấn đề nợ công và tăng trưởng của nước này.
Bản thân Thủ tướng G.Conte từng tuyên bố, chính phủ mới được xây dựng theo một chương trình hướng tới tương lai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không phải là bộ máy hướng tới lợi ích của cánh tả hay cánh hữu, mà sẽ phải làm những điều đúng đắn nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Những mục tiêu trước mắt được Thủ tướng G.Conte nêu ra gồm: Thực hiện chính sách kinh tế mở, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng với các ưu tiên hoãn tăng thuế giá trị gia tăng, áp dụng lương tối thiểu, tăng trợ cấp phúc lợi xã hội... Về chính sách nhập cư, vốn là vấn đề gây ra nhiều rạn nứt trong nội bộ chính phủ trước đây, Thủ tướng G.Conte cho biết, hai sắc lệnh an ninh sẽ được sửa đổi theo gợi ý của Tổng thống Sergio Mattarella.
Theo các nhà phân tích, chính phủ mới ra đời có thể giúp Italia chấm dứt khủng hoảng khi các đảng phái chính trị trong nước đã phần nào tìm được tiếng nói chung. Đây là cơ hội hiếm hoi để Italia củng cố nội bộ, từng bước tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, vực dậy nền kinh tế, qua đó tăng cường vị thế trong khối EU cũng như trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.