(HNMO) - Chiều 18-5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng 20-5 tại nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và bế mạc vào ngày 18-6. Để phòng, chống dịch Covid-19, kỳ họp được tổ chức thành hai đợt, gồm: Đợt 1 họp trực tuyến trong 9 ngày, từ ngày 20 đến 29-5; đợt 2 họp tập trung trong 10 ngày, từ ngày 8 đến ngày 18-6. Tổng thời gian của kỳ họp là 19 ngày (không kể ngày nghỉ).
Tại kỳ họp, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Quốc hội sẽ dành 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp) và 9 ngày cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Về hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018…
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)…
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua nghị quyết về nội dung này. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản để các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời theo quy định.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục để miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thông tin thêm về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do đồng chí Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị điều động phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, không còn đảm nhận nhiệm vụ Phó Thủ tướng, do đó, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng theo quy trình. Tương tự, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã được điều động, phân công giữ chức vụ mới, nên Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tại kỳ họp thứ chín, mặc dù được chia làm 2 đợt họp, trong đó có 1 đợt họp trực tuyến nhưng Quốc hội vẫn có hoạt động biểu quyết, đăng ký phát biểu bình thường thông qua hệ thống thông tin đã được cài đặt đến các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố. Tổng Thư ký Quốc hội cũng khẳng định, việc ứng dụng phương thức trực tuyến sẽ là tiền đề để Quốc hội có thể cải tiến phương thức hoạt động, tiến tới rút ngắn thời gian nghị sự trong những kỳ họp sau.
Trả lời báo chí về thông tin liên quan tới việc các đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị xem xét lại vụ án của bị án Hồ Duy Hải, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Gia đình bị cáo Hồ Duy Hải trong thời gian qua liên tục khiếu nại và dư luận rất quan tâm tới vụ án. Do đó, để xem xét khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu để có hướng xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.