(HNM) - Sau nhiều tháng được quây kín, bỗng một ngày, người dân ngạc nhiên khi thấy cả một dãy nhà kiên cố được xây dựng ngay dưới gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn bắc qua sông Đa Độ tại xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).
Hỏi địa phương thì lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy bảo công trình tuy trên địa bàn huyện, nhưng huyện không có trách nhiệm quản lý. Trách nhiệm giám sát, quản lý là của ngành Giao thông và chủ đầu tư cao tốc là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi). Trong khi đó, phía Vidifi thừa nhận mới biết việc này và đề nghị địa phương cùng phối hợp, sớm xóa bỏ công trình nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Ngay khi có thông tin từ báo chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn yêu cầu khẩn trương tháo dỡ công trình và xử lý vi phạm. Thế nhưng, một việc không thể nói là nhỏ và trầm trọng như vậy lại chỉ được xử lý sau khi các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng. Vai trò quản lý trật tự xây dựng của các cấp chính quyền ở đâu khi để công trình xây dựng suốt thời gian dài như vậy? Và lãnh đạo Vidifi có làm ngơ để công trình xây dựng đến ngày sắp hoàn thành thì mới biết? Cách trả lời của lãnh đạo huyện Kiến Thụy cũng như của Vidifi đều không thuyết phục.
Nhiều nghìn tỷ đồng đã được đầu tư, hàng chục vạn hộ dân đã phải di dời để phục vụ các dự án mở đường, xây dựng các tuyến cao tốc, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, kéo các vùng, miền gần nhau hơn, tạo điều kiện thông thương, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể nói, các tuyến cao tốc cũng là một phần của tư duy, của chiến lược đổi mới. Nhưng, với cách quản lý lỏng lẻo và không loại trừ khả năng có tiêu cực, lợi ích cá nhân đã kìm hãm sự phát triển. Mỗi công trình được xây dựng đồng bộ đòi hỏi cách quản lý đồng bộ. Còn cứ theo cái cách đổ lỗi cho nhau, hoặc nói “không nắm được” thì sẽ còn nhiều vi phạm khác xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.