(HNM) - Quế là sản vật nổi tiếng của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, xa xưa gắn với các tên gọi quế Trịnh Vạn, quế Ngọc Châu Thường. Chất lượng đặc thù của quế Thường Xuân có được là nhờ điều kiện địa lý đặc trưng nơi đây với địa hình chủ yếu là vùng núi có độ cao trung bình từ 150m đến 700m, lượng mưa lớn, nguồn nước dồi dào.

Khu vực này có tổng số giờ nắng lớn từ 1.600 đến 1.900 giờ/năm; thổ nhưỡng tốt với loại đất feralit đỏ vàng…, giúp cây quế phát triển thuận lợi. Ngoài ra các bí quyết của người dân bản địa trong việc trồng, chăm sóc và khai thác sản phẩm cũng góp phần tạo nên tính chất đặc thù của quế Thường Xuân.

Quế Thường Xuân có mùi thơm nồng, mặt ngoài vỏ ít xù xì, màu nâu và nâu xám, có nhiều vết loang, cây càng già vết loang càng nhiều. Khi cạo một lớp mỏng ở đầu thanh quế có thể nhìn thấy các lớp dầu, nếm có vị cay hơi chát, khi pha với nước có màu trắng đục. Tinh dầu của quế Thường Xuân có độ cay đặc trưng, khi nếm thử cảm nhận vị cay mạnh nhưng không quá nồng, hậu vị ngọt the. Quế Thường Xuân có danh tiếng từ lâu đời, là sản phẩm quý, có chất lượng cao, được dùng nhiều trong y học và ẩm thực. Quế có tác dụng chống cảm lạnh, đầy hơi, điều trị nấm da chân, khử mùi hôi, kiểm soát lượng đường trong máu…

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Thường Xuân. Sản phẩm quế Thường Xuân hiện có bán tại các chợ, siêu thị, sàn thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quế Thường Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.