(HNM) - Quân dân huyện Đa Phúc - Kim Anh (nay là huyện Sóc Sơn) đã bước vào trận chiến đấu trong 12 ngày đêm lịch sử tháng 12-1972 với tinh thần quật cường, dũng cảm, đoàn kết và sáng tạo.
Bình tĩnh vào trận chiến đấu mới
Tháng 12-1972, tình hình khẩn cấp, các cơ quan đầu não của huyện và một số ngành dịch vụ, thương nghiệp, lương thực, thực phẩm đã sơ tán về các xã. Trên địa bàn huyện được chia thành các cụm chiến đấu liên hợp, mỗi cụm do đồng chí Thường vụ chỉ đạo, Huyện ủy viên phụ trách xã. Các trung đội cơ động có trang bị hỏa lực mạnh được thành lập, lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục được củng cố. Các xã thành lập trung đội mạnh, dân quân tự vệ, Công an nhân dân nhanh chóng huy động phối hợp với bộ đội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các trận địa tên lửa, pháo cao xạ 100 ly của bộ đội chủ lực cùng 43 đài quan sát, 37 trận địa của dân quân tự vệ hoạt động tích cực, sẵn sàng giáng trả máy bay địch những đòn đích đáng.
Trận địa cao xạ đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ. Ảnh: Thái Ngọc Linh |
Công tác phòng tránh được triển khai khẩn trương. Nghị quyết của Huyện ủy nhấn mạnh: Phải tổ chức phòng tránh cho tốt, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Toàn huyện đã sửa chữa 2.734 hầm gia đình, 14.375 hố cá nhân, 6.745m hào giao thông. Các đội cứu thương, cứu sập, cứu hỏa chỉnh đốn lại đội ngũ. Tất cả bình tĩnh vào trận chiến đấu mới, dự báo sẽ quyết liệt hơn nhiều lần.
Ngày 30-11-1972, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh Vĩnh Phú họp phân tích tình hình và ra nghị quyết về phòng không sơ tán, tổ chức đánh địch, chia lửa với quân và dân Thủ đô. Ngay sau đó, Huyện ủy Đa Phúc - Kim Anh chỉ đạo nhân dân sơ tán, phân tán triệt để, đặc biệt là trường học, bệnh viện, một lần nữa lại về sau lũy tre, làm nhà nửa nổi, nửa chìm bên những hầm kèo và giao thông hào. Ở các khu vực trọng điểm như: Sân bay, các trận địa, nút giao thông… được chỉ đạo khẩn trương sửa sang hầm hố trú tránh; kiểm tra và bổ sung cơ số thuốc men, dụng cụ cho các đội cứu thương, cứu sập, bảo đảm giao thông, tăng cường tuần tra bám sát địa bàn, giữ vững trật tự trị an; lực lượng dân quân tự vệ luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Trên khắp địa bàn huyện, bên những trận địa pháo, các bà, các mẹ khi thì bát nước chè xanh, khi thì củ khoai, củ sắn… động viên các chiến sĩ vững tay súng, sẵn sàng chiến đấu với không quân Mỹ. Các cháu thiếu nhi hồ hởi với phong trào thu nhặt giẻ lau tận dụng từ quần áo cũ, giặt sạch, phơi khô gửi các chiến sĩ lau súng. Hội Phụ nữ sôi nổi với phong trào “Ba sẵn sàng”. Trong suốt 12 ngày đêm lịch sử ấy, các chị luôn có mặt tại các trận địa cùng với bộ đội thu dọn chiến trường, mang vác vũ khí, tải đạn, động viên tinh thần chiến đấu bằng những lời ca tiếng hát; sẵn sàng băng bó, cáng thương…
Sức mạnh của ý chí và tinh thần đoàn kết
19h15 ngày 18-12-1972, máy bay B.52 rải thảm 572 quả bom xuống khu vực sân bay và các xã phụ cận. Trong trận này, chiếc máy bay B.52 đầu tiên của giặc Mỹ bị tên lửa và pháo phòng không của quân và dân Hà Nội bắn rơi. Xác máy bay rơi ở cánh đồng Trời và cánh đồng Bài, thuộc xã Phù Lỗ, một phần rơi tại cánh đồng Bãi Ái, xóm Trung, xã Đức Hòa.
Chiều 19-12-1972, đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về thăm ghi nhận và biểu dương công tác hiệp đồng tác chiến của quân dân huyện Sóc Sơn. Xác chiếc máy bay B.52 sau đó được bàn giao cho Bộ Quốc phòng (hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B.52).
Trong cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 suốt 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ, ngày nào chúng cũng đánh phá huyện Sóc Sơn, gây thiệt hại, mất mát to lớn về người và của cho nhân dân Sóc Sơn. Huyện ủy, UBND huyện phát động phong trào quyên góp ủng hộ những địa phương và gia đình bị nạn theo phương châm “lá lành đùm lá rách” cùng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng bộ và nhân dân các huyện bạn, như: Yên Lạc, Bình Xuyên, Yên Lãng, Tam Dương, Lập Thạch đã giúp đỡ tre, nứa, rơm rạ, lá cọ, ngày công, sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa cho những gia đình bị nạn, và không quên lo gạo nếp, đậu xanh, bánh chưng tình nghĩa giúp gia đình bị nạn được đón xuân mới... Trường học, bệnh viện, cửa hàng được sửa chữa những chỗ thiệt hại để tiếp tục trở lại hoạt động. Có thể nói, trong gian nan, đau thương, mất mát do tội ác quân thù, chính sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi của nhân dân lại bùng lên sức mạnh mới, tiếp sức cho đồng bào nơi bị chiến tranh tàn phá vươn lên và chiến thắng.
Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, nhân dân Đa Phúc - Kim Anh còn thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu, bảo đảm thông suốt giao thông, giải quyết hậu quả sau mỗi trận đánh. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Đa Phúc đã huy động 1.333 dân quân du kích, Kim Anh đóng góp 152.507 ngày công, Xí nghiệp gạch Xuân Hòa dùng xe cơ giới cùng với người lao động cùng nhau ngày đêm sửa chữa sân bay. Ở các đường quốc lộ số 2, số 3, nhân dân khẩn trương lấp những hố bom nhằm bảo đảm giao thông thông suốt.
Trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, trong chiến tranh phá hoại của Mỹ nói riêng, Sóc Sơn đã đón tiếp hàng trăm lượt cơ quan, đơn vị, trường học, hàng nghìn lượt đồng bào về đóng quân, sơ tán. Cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện không ngần ngại nhường trụ sở, nhà cửa, đồ dùng, ruộng vườn… cho các cơ quan, đơn vị, đồng bào có địa điểm đóng quân, ổn định cuộc sống. Huyện Sóc Sơn là nơi đơn vị không quân chủ lực, cái nôi của không quân nhân dân Việt Nam - Sư đoàn 371 đóng quân và đã vinh dự hai lần được đón Bác Hồ về thăm, động viên nhân dân trong huyện và đoàn không quân Sao Đỏ (Sư đoàn 371), vào năm 1967 và năm 1969.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, huyện Sóc Sơn và 12 xã của huyện đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.