Ngày 29-7, những cơn mưa trắng trời kéo dài tại khu vực Cửa Ông - Cẩm Phả (Quảng Ninh) khiến nhiều tuyến phố tiếp tục ngập chìm trong biển nước, giao thông tại khu vực nội thị gần như tê liệt.
|
Nước ngập sâu gần 2m trên quốc lộ 18 đoạn thuộc khu vực dốc đèo Bụt (TP Cẩm Phả) trong ngày 29-7 - Ảnh: Tiến Thắng |
Ghi nhận tại quốc lộ 18 đoạn qua khu vực dốc đèo Bụt (TP Cẩm Phả), nước ở nhiều điểm ngập sâu khoảng 2m, che gần hết cả biển báo giao thông khiến ôtô, xe máy không thể đi nổi. Người dân muốn đi lại phải thuê đò chở đi với giá khoảng 50.000 đồng/người.
Ôtô, xe máy muốn di chuyển từ Hạ Long về TP Móng Cái phải chọn hướng đi khác. Lực lượng cảnh sát giao thông được bố trí túc trực tại đây và tổ chức lập hàng rào cấm đường, hướng dẫn người dân chọn hướng đi khác.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân với rổ rá trên tay tập trung tại các con suối có than chảy xuống thuộc TP Cẩm Phả, Cửa Ông,... để vớt than, bất chấp dòng nước lũ đang chảy cuồn cuộn.
Trưa 29-7, tại khu vực xung yếu ở Mông Dương (Quảng Ninh), chính quyền địa phương tổ chức huy động lực lượng tiến hành kêu gọi, vận động người dân sơ tán khẩn cấp ra khỏi những vùng nằm trong tầm ảnh hưởng của bãi xỉ than cao hàng trăm mét đang có nguy cơ sạt lở cao.
Xe đặc chủng của quân đội cũng được huy động để di dời người dân đến nơi an toàn.
|
Xe đặc chủng của quân đội được huy động để sơ tán người dân tại những điểm xung yếu ở Mông Dương, Quảng Ninh - Ảnh: Tiến Thắng |
|
Cảnh sát giao thông chắn rào cấm đường tại khu vực dốc đèo Bụt và hướng dẫn người dân chọn hướng đi khác để về Móng Cái - Ảnh: Tiến Thắng |
|
Hàng chục người dân vớt than trong cơn mưa trắng trời dưới dòng nước lũ cuồn cuộn chảy - Ảnh: Tiến Thắng |
|
Nước chảy thành dòng từ ngõ xóm ra quốc lộ tại khu vực TP Cẩm Phả - Ảnh: Tiến Thắng |
Nhiều người trắng tay sau cơn mữa lũ lịch sử
Ngày 29-7, tại khu vực TP Hạ Long, TP Móng Cái, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), mưa đã ngớt dần, nước lũ bắt đầu rút nhưng nhiều khu dân cư vẫn ngập trong bùn lầy.
|
Một gia đình tai phường Hà Khánh, TP Hạ Long tát nước sau khi nước rút - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Người dân đi sơ tán đã bắt đầu quay trở lại dọn dẹp nhà cửa. Đồ đạc, tài sản của nhiều gia đình bị trôi theo dòng nước lũ giờ nằm ngổn ngang trên đường, dọc bờ sông. Nhiều gia đình cho biết không kịp di chuyển đồ đạc nên giờ trắng tay sau cơn mưa lũ lịch sử.
Khu dân cư biến thành bãi sình lầy
Phường Hà Khánh là nơi có những khu dân cư bị ngập lụt nặng nhất tại TP Hạ Long. Sáng 29-7, nước đã rút đi để lại bùn đất lầy lội khắp nơi. Mọi con đường dẫn vào các khu 1, khu 2 đều ngập bùn đất cao đến ngang đầu gối. Một số nhà dân ở các khu vực trũng bị biến thành “đầm lầy”, nước vẫn còn đọng lại đến ngang bụng người.
Ghi nhận tại một số khu dân cư tại phường Cao Thắng, nhiều hộ gia đình ở vùng trũng vẫn bị ngập nước đến ngang thắt lưng. Trước đó, khi nước lên đỉnh điểm ngập đến nóc nhà hàng trăm hộ, nhiều người phải bơi trong chính căn nhà của mình.
Chị Phạm Thu Hiền (tổ 63, khu 7, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cho biết, mấy ngày mưa lũ khiến nước ngập ngang tầng 1 nhà chị. Nước nhấn chìm hai xe máy, tivi, tủ lạnh và nhiều đồ điện tử trong nhà, thiệt hại hàng chục triệu đồng. “Vấn đề tôi lo ngại nhất là sắp tới không có nước sạch để dùng, bể nước ngầm đã bị nước bẩn trôi hết vào. Từ hôm qua (28-7) mất điện nên gia đình cũng không kịp bơm nước dự trữ” - chị Hiền thở dài ngao ngán.
Tại tổ 67 khu 7 phường Cao Thắng, nhiều hộ gia đình vẫn chìm trong biển nước. Sáng nay, Chị Lê Thị Ngọc (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) phải mang vài kg gạo, thịt và rau đến cho người dì hiện vẫn đang mắc kẹt tại đây.
Nhiều hộ dân tại khu 7 và khu 9 phường Cao Thắng vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận mưa lịch sử kéo dài dai dẳng từ ngày 26-7. Nhiều đồ dùng điện tử, điện lạnh, xe máy, tô… để trong nhà đã bị chìm trong biển nước, hư hỏng hoàn toàn.
Ông Vũ Đình Phúc, chủ tịch UBND P.Cao Thắng cũng xác nhận, đây là hai khu ngập nặng nhất phường. Ngày 28-7, mưa lớn khiến những khu dân cư tại đây bị cô lập, đến sáng nay nước mới rút nhiều. Hiện chưa thống kê được tài sản và thiệt hại do mưa lũ.
Giao thông chia cắt
Do ảnh hưởng bởi mưa lũ, đến sáng 29-7, giao thông trên quốc lộ 18 đoạn qua nghĩa trang An Lạc Viên, dốc Đèo Bụt (phường Quang Hanh), điểm nổi TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, nước vẫn ngập nặng, giao thông bị chia cắt. Nhiều đoạn nước vẫn còn ngập sâu khoảng 1m. Giao thông trên đoạn đường này bị tê liệt, lực lượng cảnh sát cơ động, giao thông thủy được bố trí để hướng dẫn xe cộ đi theo hướng đường khác.
Tại khu vực cầu 2 (huyện Vân Đồn) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đất đá trên đồi rơi xuống đường khiến giao thông tại đây bị tê liệt, chia cắt huyện Vân Đồn với TP Cẩm Phả.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này cơn mưa lũ lịch sử đã làm 17 người chết, 6 người mất tích. Gần 2.300 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, nhiều nơi nước ngập sâu trên 2m, nhiều nhà dân đổ sập hoàn toàn. Gần 1.000 ha lúa và hoa màu tại các địa phương Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà bị ngập úng, ảnh hưởng do mưa lớn. Ngoài ra, một diện tích lớn ao, đầm và lồng bè nuôi thủy sản trên toàn tỉnh đã bị thiệt hại.
|
Chị Nguyễn Thị Xuyến nhà tại số nhà 14, tổ 12A, phường Hà Khánh, TP Hạ Long bật khóc khi ngôi nhà của gia đình tan hoang sau đợt lũ - Ảnh: Nguyễn Khánh |
|
Nhiều nhà dân biến thành bãi sình lầy sau khi nước rút - Ảnh: Nguyễn Khánh |
|
Người dân lội trong bùn lầy và nước lũ để dọn dẹp đồ đạc - Ảnh: Thân Hoàng |
|
Nhà dân vẫn ngập sâu trong nước - Ảnh: Thân Hoàng |
Miền Bắc tiếp tục có mưa to diện rộng
Ngày 29-7, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho biết do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp trên khu vực ven bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng, đêm qua (28-7) và sáng nay (29-7) ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to diện rộng, riêng ở Quảng Ninh tiếp tục có mưa to đến rất to.
Dự báo từ 29-7 đến 3-8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế) tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (đặc biệt là khu vực ven biển Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc). Trên vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2-3,5m, biển động mạnh.
Trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình từ ngày 31-7 đến 4-8 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng có khả năng lên mức báo động 2-3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Tuấn Phùng |