(HNM) - Trong năm 2023, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 19), Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32)... là những sân chơi quốc tế lớn mà quần vợt Việt Nam cần chinh phục với không ít kỳ vọng cũng như thách thức. Đại hội đại biểu Liên đoàn Quần vợt Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2022-2027 vừa được tổ chức thành công, kỳ vọng giúp quần vợt Việt Nam tiếp tục vươn mình, đạt được mục tiêu mới trong thời gian tới.
Thành tích ấn tượng
Những năm gần đây, quần vợt Việt Nam có nhiều dấu ấn khởi sắc tại đấu trường trong nước và quốc tế. Tiêu biểu là thành tích của tay vợt Lý Hoàng Nam (hiện khoác áo Câu lạc bộ Hải Đăng - Tây Ninh) với 2 Huy chương vàng ở SEA Games 30 và 31, và hiện đã vươn lên vị trí 234 trên bảng xếp hạng thế giới (ATP). Ngoài ra, Lý Hoàng Nam cũng là vận động viên Việt Nam đầu tiên vô địch hai giải nhà nghề M25 và vào bán kết giải nhà nghề M80 tại Nhật Bản. Chính vì vậy, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam tự tin đặt mục tiêu là quyết tâm giữ vững ngôi vị hàng đầu tại Đông Nam Á, giành Huy chương đồng ASIAD 19 sắp tới.
Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Đoàn Thanh Tùng cho biết, mặc dù đặt mục tiêu đạt thành tích bằng với SEA Games 31 (1 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng), song quần vợt Việt Nam đang ở thế bất lợi khi hai vận động viên chủ lực của đội tuyển quần vợt nam Việt Nam là Trịnh Linh Giang và Thái Sơn Kwiatkowski đang bị chấn thương, chưa chắc sẽ hồi phục kịp trước ngày SEA Games 32 diễn ra. Với đội tuyển nữ còn khó khăn hơn khi những tay vợt chủ lực là Việt kiều và trong độ tuổi đi học nên việc tập luyện tập trung cùng đội tuyển khó khăn hơn nhiều. Nhìn nhận thẳng thắn, so với khu vực, quần vợt Việt Nam chỉ hơn được Singapore, Campuchia, Malaysia... còn thua xa Thái Lan, Indonesia.
Quyết tâm giữ vững vị thế
Với việc đội tuyển sở hữu những tay vợt tài năng như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Lê Quốc Khánh, Phạm Minh Tuấn, Savanna Ly Nguyen, Chanelle Van Nguyen… mục tiêu duy trì thành tích đồng đội nam nhóm II thế giới, đồng đội nữ hạng ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song, muốn hướng đến mục tiêu lớn hơn như có vận động viên nhà nghề nằm trong nhóm 100 tay vợt nam hàng đầu trên bảng xếp hạng của Hiệp hội quần vợt nam nhà nghề thế giới (ATP), quần vợt Việt Nam phải hết sức nỗ lực.
Phụ trách bộ môn quần vợt, Tổng cục Thể dục - Thể thao Nguyễn Kim Cương cho biết, tay vợt Lý Hoàng Nam đã xuất sắc vươn lên hạng 239 ATP thế giới cũng như có triển vọng giành các tấm vé chính thức dự một số giải thuộc hệ thống Grand Slam của quần vợt thế giới năm 2023. Để đạt được kết quả này, Lý Hoàng Nam có sự tổng hợp từ tố chất chuyên môn tới sự đam mê môn thể thao và có nguồn xã hội hóa đầu tư. “Chúng tôi rất chờ đợi quần vợt có được thêm các gương mặt như thế”, ông Nguyễn Kim Cương nói.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Đoàn Thanh Tùng, Lý Hoàng Nam có được thành công này không thể phủ nhận sự đầu tư đúng hướng của đơn vị chủ quản của vận động viên là Câu lạc bộ Hải Đăng (Tây Ninh). “Nếu để chi bằng tiền ngân sách thì một năm Lý Hoàng Nam chỉ được thi đấu một giải quốc tế là cùng, nhưng với nguồn xã hội hóa, Nam được thi đấu cọ xát liên tục tại các giải quốc tế để tích điểm. Có như vậy mới giúp các tuyển thủ Việt Nam vào nhóm hạt giống, vượt qua vòng loại để thi đấu ở các giải đấu cấp độ cao hơn, mới mong đạt mục tiêu”, ông Đoàn Thanh Tùng cho hay.
Huấn luyện viên đội tuyển quần vợt quốc gia Trương Quang Vũ cho biết, hiện đội tuyển quần vợt Việt Nam đã lên danh sách tập trung tập luyện để chuẩn bị cho các mục tiêu tại SEA Games 32 và ASIAD 19. Theo kế hoạch, đội tuyển sẽ hội quân ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để tham dự Giải Quần vợt đồng đội nam thế giới (Davis Cup 2023) được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh.
Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ thông tin, thời gian tới Liên đoàn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ quốc gia. Đồng thời, rà soát các vận động viên gốc Việt có thành tích cao tại nước ngoài, mời tham gia thi đấu ở các giải đấu trong nước. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các vận động viên có triển vọng đi tập huấn nước ngoài nhằm nâng cao thành tích cho quần vợt Việt Nam. Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch, việc kêu gọi tài trợ để tổ chức các giải đấu là rất khó khăn, nhưng Liên đoàn vẫn nỗ lực duy trì tổ chức 11 giải đấu/năm (gồm 6 giải vô địch quốc gia và 5 giải đấu trẻ), đăng cai tổ chức Davis Cup nhằm giúp các vận động viên thi đấu, cọ xát, nâng cao trình độ, tích điểm.
Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu Liên đoàn Quần vợt Việt Nam khóa VII vừa qua, Liên đoàn đã đưa vào hai môn mới cho quần vợt Việt Nam là quần vợt xe lăn và quần vợt bãi biển nhằm lan tỏa sự đam mê môn quần vợt ra cộng đồng. Trong đó, quần vợt bãi biển được coi là môn rất tiềm năng vì môn này dễ chơi, ăn khách. Qua các giải đấu phong trào sẽ phát hiện thêm những tài năng cho đội tuyển quần vợt Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.