(HNM) - Gần đến ngày rằm tháng Tám, thị trường bánh trung thu bắt đầu sôi động và là cao điểm lưu thông các mặt hàng thực phẩm như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng... trên thị trường. Hiện nay, cùng với các cơ sở kinh doanh truyền thống, có thương hiệu lâu năm thì trên thị trường, mạng xã hội còn xuất hiện nhiều đơn vị làm bánh, chế biến nguyên liệu làm bánh tự phát, làm thủ công cũng rao bán. Vì vậy, nguy cơ các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm trà trộn rất cao.
Để giảm tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ hàng kém chất lượng trên thị trường..., Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu. Trước dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra tại các tỉnh như: Cà Mau, Long An, Kon Tum, Thừa Thiên Huế... Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường cũng đẩy mạnh hoạt động kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Qua đó, phát hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm bánh trung thu có nhãn hiệu và tên nước ngoài không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Đó là những việc rất cần. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Công Thương chỉ giải quyết được một phần. Quan trọng vẫn là ý thức của người dân. Bởi nếu người dân không tiêu thụ những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng thì các cơ sở đó sẽ không có “đất diễn”. Do đó, để đón Tết Trung thu an toàn, vui khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm bánh trung thu có đầy đủ tem nhãn bằng tiếng Việt, ghi rõ địa chỉ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng cũng như thông tin về chất lượng sản phẩm để bảo đảm chất lượng và an toàn khi sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.