Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là khơi thông nguồn vốn

Dạ Khánh| 24/03/2019 06:33

(HNM) - Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020, cả nước phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị lớn.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội có nguy cơ không bảo đảm tiến độ kế hoạch nếu không có giải pháp đột phá. Trong ảnh: Khu đô thị Nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm).Ảnh: Kháng Trần


Chưa đáp ứng nhu cầu


Chị Nguyễn Thị Hằng (công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) chuyển đến Hà Nội sinh sống và làm việc đã hơn 7 năm. Thế nhưng đến nay, vợ chồng chị vẫn phải ở trọ tại căn phòng rộng hơn 10m2 lợp proximăng tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Trong căn phòng chật chội, chị Hằng chia sẻ: “Ước mơ của vợ chồng tôi là mua được một căn hộ trả góp giá rẻ để sớm ổn định cuộc sống, nhưng điều này còn khá xa vời”.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tại các đô thị có lực lượng lao động trẻ đông, dân nhập cư lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng nguồn cung đang rất thiếu. Tính đến đầu năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở vào khoảng 1,2 triệu người; dự kiến đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 3 triệu người.

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến nay số lượng nhà ở xã hội hoàn thành mới đạt khoảng 33%, tương đương 81.700 căn hộ, khoảng 4.085.000m2.

Tại Hà Nội, theo Quyết định 6336/QĐ-UBND ngày 28-11-2014 của UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020), thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành đầu tư xây dựng gần 6,4 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, với tổng cộng 6 dự án đã hoàn thành, 43 dự án đang triển khai và 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của 58 dự án nhà ở thương mại (dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2020), thì Hà Nội vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi. Đó là nguồn vốn cho vay phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản chưa quan tâm tới việc đầu tư nhà ở xã hội, cho rằng thủ tục còn phức tạp, các chính sách ưu đãi chưa nhiều, lợi nhuận thấp, chưa hấp dẫn doanh nghiệp. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp...

Thực tế cho thấy, lộ trình này sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi tốc độ đô thị hóa vẫn đang diễn ra nhanh chóng, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng, giá đất tăng. Cùng với đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận. Đến năm 2020, theo ước tính của Bộ Xây dựng, 40% dân số sẽ sinh sống tại đô thị. Vì vậy, nhu cầu tìm kiếm nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền ngày càng bức thiết, nhất là tại 2 đô thị lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp


Để giải bài toán này, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch, kế hoạch, thì điều quan trọng nhất là Nhà nước cần khơi thông nguồn vốn cho thị trường.

“Thủ tướng đã có quyết định quy định lãi suất cho vay hỗ trợ năm 2019 là 5%. Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư hướng dẫn thực hiện, nhưng do sự phối hợp giữa các bộ, ngành thời gian qua chưa hiệu quả nên hiện chưa có nguồn vốn để người dân, doanh nghiệp vay. Vì vậy, đề nghị các bộ ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đi vào cuộc sống” - ông Nam kiến nghị.

Khu nhà ở xã hội Kiến Hưng (quận Hà Đông) đưa vào sử dụng từ năm 2017. Ảnh: Khuê Diệp


Về khó khăn trong quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, ông Bùi Tiến Thành, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thành phố đã có báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp đặc thù như nghiên cứu bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch đô thị; rà soát toàn bộ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai để chuyển quỹ đất sang phục vụ phát triển nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Trước việc kết quả thực hiện chưa như mong đợi, một chính sách tổng thể phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam đang được Bộ Xây dựng tính đến. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ tháng 10-2018, Bộ Xây dựng phối hợp Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA triển khai Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030”.

Theo đó, nhằm cải thiện hiệu quả các chính sách nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng tiến hành đánh giá thực trạng công tác phát triển nhà ở xã hội, nhu cầu nhà ở của các gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; đồng thời khảo sát, nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở. Từ đó xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng; đề xuất, kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp, khả thi nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là khơi thông nguồn vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.