Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là khâu kết nối

Đặng Loan| 18/06/2014 07:08

(HNM) - Ngày 16-6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Dương đã tổ chức hội nghị


Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, tổng diện tích trồng vải tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương (hai tỉnh trồng vải thiều nhiều nhất nước) năm nay khoảng 43.000ha (tăng khoảng 2,3%, tương ứng 1.000ha so với năm 2013), sản lượng đạt khoảng 190.000 tấn quả tươi (tăng khoảng 13,6%, tương ứng khoảng 24.000 tấn so với năm 2013). Hiện tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm 60% sản lượng, xuất khẩu chiếm khoảng 40% sản lượng, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc.

Khách hàng chọn mua vải thiều tại siêu thị Co.opmart Bình Triệu.



Theo ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thì thị trường phía Nam chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng tiêu thụ nội địa. Từ đầu vụ, vải thiều tiêu thụ tương đối thuận lợi, được giá cao. Tuy nhiên, giá vải cũng không ổn định, dao động tùy vào từng loại, thời điểm và từng địa phương. Bên cạnh đó, đặc điểm của vải thiều là thời gian mùa vụ chỉ hơn một tháng nên cần phải tiêu thụ nhanh. Còn theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, việc tiêu thụ vải thường có tình trạng không ổn định một phần do tính chất mùa vụ quá ngắn, một phần thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Australia chỉ xuất được một lượng rất nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó ban Quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, vào chính vụ lúc cao điểm mỗi ngày có hơn 200 xe tải, container vải thiều về chợ, chưa kể hàng còn đi bằng máy bay. Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết, những năm trước mỗi ngày lượng vải thiều về chợ khoảng 5 - 6 container. Năm nay số lượng vải về nhiều hơn với 8 - 10 container/ngày. Dự đoán trong mùa tại chợ này sẽ tiêu thụ 4.000 - 5.000 tấn. Còn theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền, hiện sản lượng vải về chợ khoảng 50 - 70 tấn/ngày đêm.

Theo đại diện Saigon Co.op, vải thiều là một trong những trái cây được thị trường TP Hồ Chí Minh rất ưa chuộng. Hiện hệ thống siêu thị Co.opmart ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ tiêu thụ khoảng 10 tấn vải thiều/ngày.

Tại hội nghị, đại diện hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã ký thỏa thuận với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ; các hệ thống siêu thị và các chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về hợp tác tiêu thụ vải thiều năm 2014 và những năm tiếp theo.

Dù vải thiều được ưa chuộng tại thị trường phía Nam, nhưng hiện chưa có đại diện các địa phương phía Bắc tại thị trường TP Hồ Chí Minh để tổ chức kinh doanh, quảng bá, làm đầu mối giao thương. Đại diện Saigon Co.op "tiếc rẻ" cho biết dù thu mua vải của Bắc Giang và Hải Dương nhưng không thông qua doanh nghiệp tại các tỉnh này mà lại qua một công ty có trụ sở ở Ninh Thuận. Đơn vị này cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều khi có đầu mối trong thời gian tới. Saigon Co.op cũng lưu ý 3 điểm cho các nhà sản xuất khi đưa vải và các loại trái cây khác vào hệ thống phân phối hiện đại, đó là cần ổn định số lượng và chất lượng, bảo quản sau thu hoạch tốt hơn. Theo vị đại diện này, những năm trước sản lượng biến động tăng giảm rất nhiều, vì vậy cần có định hướng để sản lượng vải thiều ổn định hơn. Bên cạnh đó, việc bảo quản chưa chuyên nghiệp nên chất lượng cũng không đều. Đại diện các chợ đầu mối cũng cho biết sẽ luôn tạo điều kiện để vải vào chợ. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao kết nối được giữa sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là những nơi có sản lượng tiêu thụ lớn như TP Hồ Chí Minh. Các đơn vị đề nghị các tỉnh cho đầu mối để Sở Công thương thành phố và các DN trên địa bàn thành phố bàn bạc và ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, kết nối thương mại sản xuất giữa các tỉnh thành, vùng miền là vô cùng quan trọng. TP Hồ Chí Minh sẽ cùng các địa phương Đông - Tây Nam bộ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại giải quyết trái vải thiều năm 2014, bởi khi sản lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao thì chỉ thị trường trong nước không đủ. Vậy nên thị trường nước ngoài là rất cần thiết. Theo đó, khi mở rộng ra thị trường nước ngoài thì vai trò của Bộ Công thương là hết sức quan trọng trong xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, các Bộ NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu chế biến và xử lý sau thu hoạch để giúp nông sản có thể xuất khẩu ra nước ngoài với chất lượng và giá trị cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là khâu kết nối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.