Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản trị tài sản trí tuệ tại các trường đại học

Thu Hằng| 12/11/2022 07:11

(HNM) - Trường đại học, viện nghiên cứu là cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới cũng như chuyển giao nguồn tri thức khoa học và công nghệ cho xã hội. Để bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ một cách hiệu quả, đúng quy định, đòi hỏi các viện, trường phải tự chuyển mình, nâng cao năng lực nghiên cứu, đáp ứng một cách thiết thực các nhu cầu của xã hội song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Hội thảo sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học do Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức, tháng 9-2022.

Vẫn còn lúng túng

Tại các trường đại học lớn trên thế giới đều thành lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ để quản trị tài sản trí tuệ. Trong khi đó ở nước ta, sở hữu trí tuệ trong trường đại học vẫn còn khá mới mẻ. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã tích lũy được năng lực, đóng góp nhiều cho sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, nhưng gần như chưa cụ thể hóa các kết quả, chưa biến các kết quả thành tài sản.

Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, thời gian qua, một số trường đại học, đặc biệt là các trường đại học kỹ thuật công nghệ đã chú trọng phát triển, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu để có nhiều hơn nữa sản phẩm về sở hữu trí tuệ.

Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí, số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng tăng trong những năm qua. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, phần nào thể hiện sự cải thiện về giá trị của các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu, làm căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, để các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa một cách hiệu quả, từ đó tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Còn theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng, hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ là một trong những lĩnh vực then chốt được nhà trường ưu tiên đầu tư, thể hiện qua 3 điều. Đó là, tăng trưởng các bài báo công bố quốc tế theo đúng tinh thần của liêm chính khoa học; tăng trưởng số lượng các giải pháp hữu ích, độc quyền sáng chế của trường trong giai đoạn vừa qua; tăng trưởng số lượng các kết quả đề tài được chuyển giao vào thực tế thông qua ngân sách mà nhà trường thu được và số lượng các công ty start-up, spin-off của nhà trường được mở ra.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ đăng ký và Thương mại hóa tài sản trí tuệ từ năm 2017. Trung bình mỗi năm, Đại học Quốc gia Hà Nội có hơn 50 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp thuận, hơn 10 sản phẩm công nghệ được chuyển giao, kết quả có xu hướng tăng dần theo từng năm.

Tuy nhiên, việc quản trị, khai thác các tài sản trí tuệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong trường, viện vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số trường đại học triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ, thành lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhưng hoạt động vẫn còn lúng túng. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội Nguyễn Minh Phương cho biết, dù nhà trường đã đưa vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ vào quy định quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của nhà trường nhưng trong quá trình hoạt động vẫn thấy “vướng”.

Nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn các trường chưa có quy định về sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện hoạt động của trường, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế… Ngoài ra, có nhiều trường chưa thành lập tổ chức có chức năng về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà khoa học trong việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Chiến lược quản trị và phát triển phù hợp

Trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đề cập đến việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.

Theo đó, các nhiệm vụ đặt ra là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Việc hợp tác, khai thác tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ rút ngắn được quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đầu tư nghiên cứu. Mặt khác, việc hợp tác này tạo cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa, lan tỏa kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở.

Để bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ một cách hiệu quả, đúng quy định, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội Nguyễn Minh Phương cho rằng, mỗi thầy, cô giáo, học viên, sinh viên phải nắm được những nội dung cơ bản về bảo vệ, khai thác tài sải trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của chính mình, nhà trường cũng như các quy định về việc sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ của các cá nhân, tổ chức khác.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung, các trường đại học, viện nghiên cứu cần thành lập bộ phận và có cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ các nhà khoa học cũng như quản trị tài sản trí tuệ của trường một cách kịp thời và đầy đủ. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần có những giải pháp để bảo đảm không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như cần có những cơ chế để hỗ trợ tốt hơn những nguồn kinh phí thực hiện nghiên cứu khoa học và sáng tạo ở các trường đại học.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, việc nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ cho các trường đại học, viện nghiên cứu với các mô hình quản trị tài sản trí tuệ phù hợp đang là vấn đề được quan tâm. Cục Sở hữu trí tuệ luôn sẵn sàng phối hợp, chia sẻ, đồng hành cùng các trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ ở đơn vị mình, nhằm đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản trị tài sản trí tuệ tại các trường đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.