(HNM) - Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi nguồn lực về vốn, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên không phải là thế mạnh cạnh tranh thì doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải vươn tới đạt những chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng tốt các lợi thế trong tiến trình hội nhập, biến thách thức thành cơ hội.
Đáp ứng chuẩn mực quốc tế trong quản trị, điều hành mở ra cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.Ảnh: Thái Hiền |
Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển
Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 FTA song phương và đa phương. Trong đó, có 8 FTA đã có hiệu lực là: FTA ASEAN và FTA giữa ASEAN với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia - New Zealand; hai hiệp định song phương là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản và FTA Việt Nam - Chile. Ngoài ra, có hai hiệp định đã ký kết là FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu; hai hiệp định thương mại thế hệ mới đã kết thúc đàm phán là Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những hiệp định ký kết mở ra cho Việt Nam nói chung, cộng đồng DN nói riêng cơ hội phát triển. Khi Việt Nam và các nước đối tác cắt giảm thuế quan theo cam kết, hàng hóa sẽ có giá cả cạnh tranh hơn, người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa tốt và rẻ hơn, thủ tục xuất khẩu - nhập khẩu bớt rườm rà, dòng vốn ngoại đầu tư vào nước ta sẽ tăng…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đang mở ra, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, ở phạm vi DN, Rạng Đông đang phải cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. DN nước ngoài đã có sẵn chuỗi cung ứng, có trình độ quản trị tiên tiến, tiềm lực khoa học công nghệ, có thị trường và kinh nghiệm thương trường, có thương hiệu quốc gia và thương hiệu DN toàn cầu. Trong khi, Rạng Đông nói riêng, nhiều DN Việt Nam nói chung, đang ở thế yếu và cuộc cạnh tranh này là không cân sức. Nói cách khác, yêu cầu nâng cao trình độ về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược, kỹ năng quản trị trong cạnh tranh, quản lý sự biến đổi, phân tích kinh doanh, dự báo, tính chuyên nghiệp và trình độ tay nghề của người lao động... đang là vấn đề cấp bách của phần lớn các DN Việt Nam hiện nay.
Hướng tới quản trị theo chuẩn quốc tế
Thực tế cho thấy, có những DN với xuất phát điểm thấp nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ đã vượt qua khó khăn, thách thức để thành công. Nhưng cũng có những DN, dù có xuất phát điểm tốt, nguồn tài chính dồi dào, thị trường ổn định, song năng lực quản lý kém, trình độ hạn chế đã thua lỗ, phá sản. Qua đó, có thể thấy chất lượng quản trị, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đến sự sống còn, thành bại của mỗi DN.
Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp nhận định, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh mang tính toàn cầu và sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng của khách hàng đã đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi mới về quản lý. Những mô hình tổ chức và quản lý theo tiêu chuẩn truyền thống như của Việt Nam hiện nay sẽ được thay thế bằng tiêu chuẩn chung của thế giới...
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại - Trường Đại học Ngoại thương cho biết, hợp tác giữa nhà trường và DN là một điểm yếu trong giáo dục đại học. Để khắc phục, thời gian qua, lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng mô hình hợp tác giữa nhà trường và DN, chú trọng các chương trình, dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động của DN; đồng thời, hợp tác triển khai các chương trình, dự án đào tạo theo yêu cầu của DN, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN, hiện thực hóa chủ trương gắn kết quá trình đào tạo với thực tiễn... Mới đây, Trường Đại học Ngoại thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, hướng đến mô hình DN có hệ thống quản trị hiện đại, biến lợi thế so sánh của mình thành lợi thế cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững trong hội nhập kinh tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.