(HNM) - Từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, tại Hà Nội, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Tuy nhiên, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, cần quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú cho biết, thời gian qua, ngành Tư pháp gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp Hà Nội và các địa phương đã chủ động thay đổi phương pháp nhằm thích ứng tình hình mới và bảo đảm mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Toàn thành phố có 4.925 tổ hòa giải với 32.234 hòa giải viên. Tại các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa tỷ lệ hòa giải thành rất cao, đạt trên 90% đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác này trong việc góp phần hạn chế tranh chấp dân sự, củng cố tình làng, nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, giảm các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Qua nhiều lần khảo sát, kiểm tra từ các tổ, nhóm hòa giải cơ sở ở tất cả các địa phương trong thành phố, vấn đề được nghe các hòa giải viên cơ sở ý kiến nhiều nhất chính là mức chi hỗ trợ đã không còn phù hợp bởi chỉ tính chi phí mời đến họp, tổ chức buổi hòa giải như: Nước uống, in tài liệu, giấy bút… tiêu tốn không ít tiền.
Liên quan đến chất lượng cán bộ hòa giải ở cơ sở, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân nêu quan điểm, cần kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, trước hết là sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở và nâng cao sự quan tâm của cấp ủy, nguồn lực cho công tác hòa giải.
Dẫn thực tế việc chọn địa phương xảy ra nhiều tranh chấp nhất để tổ chức tập huấn cho các hòa giải viên và hiện nay đạt được kết quả cao về hòa giải thành, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Chiến cho rằng, để thực hiện tốt công tác hòa giải cần sự lãnh đạo của Đảng. Song song đó, hòa giải viên cần được tập huấn bởi hòa giải viên vừa tham gia hòa giải nhưng cũng là tuyên truyền viên pháp luật.
Năm 2022 là năm kết thúc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thành phố Hà Nội sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án và triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn và triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn thành phố”. Tiếp thu ý kiến của các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đã đề nghị Thành ủy sớm ban hành chỉ thị thay thế Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 25-11-2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở”. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Tài chính sớm sửa đổi một số mức chi trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở để động viên, khích lệ hòa giải viên hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.