Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan tâm hơn nữa đến những vấn đề dân sinh

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 10/12/2010 07:22

(HNM) - Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 22, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XIII được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là về các vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý đô thị, y tế, giáo dục... được các đại biểu nêu ra. Báo Hànộimới xin ghi lại một số tâm tư, nguyện vọng của người dân Thủ đô xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Trọng Khôi (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân):
Mở đường, đừng quên xây phố

Việc thực hiện nội dung Nghị quyết 09 năm 2000 của HĐND thành phố Khóa XII về công tác giải phóng mặt bằng gắn với quy hoạch các tuyến đường mới, phố mới đã và đang tạo ra cho Thủ đô nhiều tuyến đường đẹp và hiện đại. Song, chủ trương "mở đường đồng thời với xây dựng phố" chưa được thực hiện tốt, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Chẳng hạn tuyến đường mới mở ven sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Mới (quận Thanh Xuân) đến cầu Dậu (quận Hoàng Mai) đưa vào sử dụng đã được hơn 3 năm, nhưng đến nay vẫn là nhà không số, phố không tên. Hay đường Lê Văn Lương, sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng cũng chưa có biển số nhà. Thế là cùng một dãy phố, số chẵn, số lẻ, số lớn, số bé thi nhau xuất hiện theo… ý thích của chủ nhà. Rõ ràng đường đã mở, nhưng nếu cơ quan chức năng không thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, quản lý thì chúng ta chưa thể có những tuyến phố đẹp.

Ông Đào Cảnh Diệp (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức):
Cần quan tâm đến nông thôn, vùng núi...

Tuy ở vùng nông thôn, xa trung tâm Thủ đô, nhưng qua phương tiện thông tin đại chúng, người dân chúng tôi đã theo dõi rất kỹ kỳ họp. Kỳ họp này đã có nhiều quyết định quan trọng, làm rõ những vấn đề lớn liên quan đến đời sống dân sinh như mức tăng học phí trước năm học 2011-2012, ngân sách ưu tiên cho huyện nghèo, huyện xa... Tuy nhiên, để từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa ngoại thành và nội thành, thành phố cần có thêm những chính sách ưu tiên hợp lý trong phát triển kinh tế ngoại thành. Qua điều tra, rất nhiều xã chỉ đạt một số ít tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vì vậy, các quyết định cụ thể của thành phố cũng phải thể hiện tinh thần hành động, dứt điểm, có quy định thời gian và trách nhiệm rõ ràng đối với người đứng đầu ở mỗi cấp, mỗi ngành và ở từng đơn vị.

Ông Phạm Đình Thành (phường Giang Biên, quận Long Biên):
Bắt buộc xây dựng trường học trong khu chung cư

Trong vài năm qua, nhiều trường mầm non tư thục đã được mở, nhất là tại các khu đô thị, khu chung cư, song phần lớn các cơ sở này chỉ là một căn hộ hoặc căn nhà nhiều tầng, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển văn-thể-mỹ của trẻ. Trong khi đó, việc xây dựng trường học của các cấp tiểu học và phổ thông tại các khu chung cư… quá chậm so với tốc độ tăng dân số cơ học, dẫn đến các trường học của các khu dân cư lân cận bị quá tải. Điều này đặt ra trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước đối với chủ đầu tư trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học khi thực hiện dự án xây dựng các khu đô thị mới, khu chung cư lớn.

Bà Trịnh Tâm Lan (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai):
Quản lý chặt các công trường xây dựng để giảm ô nhiễm bụi

Một vấn đề dân sinh bức xúc, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô hiện nay là vấn đề ô nhiễm bụi từ các công trường đang xây dựng. Có thể kể tên các tuyến đường bụi điển hình như đường Lương Thế Vinh, đường Phạm Hùng, quốc lộ 32 và mới đây nhất là đường Nguyễn Hữu Thọ - tuyến cửa ngõ vào khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, thuộc địa bàn quận Hoàng Mai. Mỗi ngày có hàng ngàn tấn đất, đá được vận chuyển trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, với hàng trăm chuyến xe trọng tải lớn ra vào nhưng không hề có một điểm rửa xe. Bùn đất bám từ dưới lòng hồ theo vệt bánh xe đi khắp nơi, phủ tầng tầng lớp lớp trên mặt đường, bám vào cây cối, nhà cửa và các phương tiện tham gia giao thông. Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng cần mạnh tay, xử phạt thật nghiêm không chỉ người điều khiển phương tiện, mà còn cả những chủ đầu tư, đơn vị thi công để xe bẩn chạy ra khỏi công trường.

Ông Nguyễn Trọng Đình (xã Văn Bình, huyện Thường Tín):
Thống nhất quản lý cấp phép đào đường, đào hè

Từ lâu, trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại thực trạng lòng đường thì do sở, ngành quản lý, còn vỉa hè lại do quận, huyện chịu trách nhiệm, dẫn đến chồng chéo, lộn xộn. Theo tôi, việc đào đường, đào hè nên giao cho Sở Giao thông-Vận tải quản lý và cấp phép. Bởi lẽ, Sở Giao thông-Vận tải cấp phép mới bảo đảm được sự thống nhất trong quản lý, quy hoạch về chất lượng, cảnh quan và các quy định hiện hành; đồng thời, thuận lợi hơn trong việc phân luồng, tổ chức giao thông cho những khu vực đi qua các công trình phải đào đường, hạ ngầm, chỉnh trang các tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố.

Ông Cấn Đỗ Hiệp (xã Cấn Hữu, Quốc Oai):
Đầu tư cho y tế cơ sở

Thực tế cho thấy ở một số địa phương, sự quan tâm đầu tư tài chính đối với vùng nông thôn còn quá eo hẹp, nhất là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tuyến y tế cơ sở. Ở xã Cấn Hữu, Trạm y tế xã, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân, đã được đầu tư xây dựng từ năm 2006, nhưng do thiếu kinh phí, đến nay mới chỉ dừng lại ở xây dựng phần thô, công trình bị "đắp chiếu", không sử dụng được. Thành phố cần quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến y tế cơ sở để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tốt hơn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm hơn nữa đến những vấn đề dân sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.