(HNM) - Những năm qua, thành phố Hà Nội đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, tạo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hệ thống thủy lợi của Hà Nội đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần tiếp tục được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.
Nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Trạm bơm Đốc Tín xây dựng năm 1983 với 3 tổ máy, công suất 2.500m3/giờ và 1 tổ máy công suất 1.000m3/giờ. Công trình có nhiệm vụ lấy nước sông Đáy tưới cho khoảng 30ha và tiêu cho khoảng 210ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh của các xã: Vạn Kim, Đốc Tín.
Sau 40 năm khai thác, vận hành, nhiều hạng mục của công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng: Tường nhà quản lý bong tróc vôi vữa, trần nhà bị thấm dột, hệ thống cửa đi, cửa sổ bị hỏng..., không bảo đảm an toàn cho người làm nhiệm vụ quản lý, vận hành, nhất là trong những ngày mưa, bão.
Theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức Đoàn Văn Thắng, hiệu suất của Trạm bơm Đốc Tín hiện chỉ đạt 55-60% công suất thiết kế. Đặc biệt, năm 2022, Trạm bơm Đốc Tín đã xảy ra sự cố, nước từ phía sông chảy luồn qua móng nhà trạm vào phía đồng. Nếu mực nước phía sông dâng cao trong nhiều ngày, nhà trạm có nguy cơ bị trôi đổ về phía đồng...
Tương tự, nhiều trạm bơm trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Mỹ Hạ, Mỹ Thượng (huyện Chương Mỹ); Tân Độ, Áng Thượng (huyện Mỹ Đức); Bá Giang (huyện Đan Phượng)... đang xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Đáng quan tâm hơn, mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy... có xu hướng ngày càng hạ thấp khiến nhiều công trình lấy nước của Hà Nội không thể vận hành. Điển hình là các trạm bơm: Trung Hà, Sơn Đà (huyện Ba Vì); Phù Sa (thị xã Sơn Tây); Xuân Phú (huyện Phúc Thọ)...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các công trình xây dựng từ lâu, đã xuống cấp và thiết bị máy móc hư hỏng nhiều, hiệu suất bơm thấp. Một số trạm bơm thiết kế lắp đặt máy bơm cũ, lạc hậu, điện năng tiêu thụ lớn... Trước thực trạng này, người dân và chính quyền các địa phương rất mong thành phố quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng công trình mới thay thế...
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, nâng cấp, xây dựng mới nhiều trạm bơm; nạo vét, tu bổ hệ thống kênh tưới, kênh tiêu, cống lấy nước...
Hiện tại, thành phố Hà Nội có 1.837 trạm với 4.139 máy bơm các loại; 6.393 tuyến kênh các cấp với tổng chiều dài hơn 3.635km; 117 đập, hồ chứa nước... Đến thời điểm này, hệ thống thủy lợi của thành phố Hà Nội cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, giảm thiệt hại do hạn hán, úng ngập gây ra.
Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phòng, chống thiên tai, cải thiện môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư 5.952 tỷ đồng xây dựng 42 trạm bơm; 42 công trình kênh tưới, kênh tiêu; 10 cụm công trình trạm bơm; 2 cụm công trình trạm bơm, cống; cải tạo nâng cấp 6 hồ thủy lợi; nạo vét, gia cố 9 đoạn bờ sông...
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội đã và đang thi công các trạm bơm: La Làng, Đức Môn (huyện Mỹ Đức); Nhân Lý, Đầm Buộm, Mỹ Thượng, Mỹ Hạ (huyện Chương Mỹ); nạo vét sông Cầu Bây, đoạn quận Long Biên và huyện Gia Lâm...
Các sở, ngành, địa phương đang hoàn thiện trình tự, chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng công trình thay thế các trạm bơm: Phù Sa, Trung Hà, Tân Độ, Áng Thượng, Bá Giang, Đan Hoài, Ấp Bắc...
Trong thời gian chuẩn bị và triển khai dự án, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các tổ chức thủy lợi thành phố thường xuyên kiểm tra, theo dõi thực trạng công trình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý sự cố có thể xảy ra; bảo đảm đủ nước tưới dưỡng lúa xuân, phòng, chống úng ngập vụ mùa... Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ công trình thủy lợi...
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương được thành phố giao nhiệm vụ cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.