(HNM) - Ngày 12-12, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức tiêu hủy hàng nghìn xuất bản phẩm nhập khẩu gồm sách, tài liệu bản đồ thuộc diện vi phạm Luật Xuất bản.
Sự kiện này, cùng với hàng loạt vụ đình chỉ phát hành hoặc thu hồi xuất bản phẩm có nội dung sai phạm diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy công tác quản lý xuất bản phẩm đang thực sự là thách thức lớn đối với nhà quản lý.
Thị trường xuất bản phẩm ngày càng sôi động nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Bề bộn xuất bản trong nước
Quản lý xuất bản phẩm, nhìn một cách toàn diện phải kể đến tất cả các khâu, từ quản lý công tác xuất bản tới in, phát hành. Và, theo Luật Xuất bản, xuất bản phẩm gồm hệ thống sản phẩm đa dạng, từ sách, tranh ảnh, bản đồ, áp phích, tờ rơi, tờ gấp đến các loại lịch, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách. Các xuất bản phẩm có thể đề cập tới rất nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học nghệ thuật... bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nói vậy để thấy rằng, đề cập tới câu chuyện quản lý xuất bản phẩm nghĩa là chạm tới một vấn đề rộng mà hiện nay, "rẽ" vào đâu cũng thấy sự bối rối, phức tạp.
Có một điểm chung là tất cả xuất bản phẩm đều phải được xuất bản thông qua các nhà xuất bản (NXB) hoặc cơ quan, tổ chức được cấp phép. Thế nên, để nắm bắt những vấn đề cốt yếu của quản lý xuất bản phẩm hiện nay thì cần phải nhìn từ hệ thống cơ quan giữ vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Hiện nay, chỉ tính riêng về sách, mỗi năm các đơn vị trong nước xuất bản khoảng 26 nghìn tên sách về rất nhiều lĩnh vực, tăng khá nhiều so với mươi năm trước, tạo ra một thị trường xuất bản, in, phát hành sôi động chưa từng có. Sự tăng trưởng giúp cho bạn đọc có thêm lựa chọn, nhưng cũng đặt ra bài toán nâng cao chất lượng công tác quản lý xuất bản phẩm nhằm bảo đảm lượng sách được xuất bản đem lại lợi ích cho cộng đồng thay vì "đầu độc" họ qua những điều nhảm nhí. Tuy vậy, trong thực tế, tại một trong số "vọng gác tiền tiêu" là các NXB, việc chọn lựa tác phẩm đã có vấn đề. Xu hướng "bán" giấy phép xuất bản và phó mặc nội dung cho đối tác liên kết tại một số NXB đã làm giảm hiệu quả quản lý. Một khi NXB - nơi chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng xuất bản phẩm - không còn thực sự kiểm soát được công việc của mình thì những văn bản xử phạt hay quyết định đình chỉ phát hành không còn đủ ý nghĩa răn đe nhằm hướng công tác xuất bản, in, phát hành vào khuôn khổ.
Cả nước hiện có hơn 60 NXB, trong đó có không ít NXB chủ yếu sống nhờ liên kết; thậm chí, có nơi, số đầu sách liên kết có thể chạm mức tuyệt đối. Đã có sự buông lỏng trách nhiệm ở mức khó chấp nhận từ phía NXB. Mới đây, theo Cục Xuất bản, có một NXB chỉ trong chưa đầy một năm đã đưa ra thị trường 60 cuốn sách thuộc dạng "có sai phạm", trong đó có những sai phạm nghiêm trọng về nội dung. Xuất bản phẩm "thảm hại" đến mức in hình diễn viên hài một cách phản cảm ngay trên bìa sách pháp luật.
Điều đáng nói, xét về mặt quản lý, một số xuất bản phẩm có nội dung tồi tệ nhưng vẫn sống khỏe, "tuổi thọ" cao - tức có thể qua mắt cơ quan quản lý trong một thời gian dài.
Thách thức ngày một tăng
Quản lý xuất bản phẩm không chỉ liên quan đến ấn phẩm có xuất xứ trong nước, mà còn bao gồm nhiệm vụ "lọc" xuất bản phẩm không kinh doanh được nhập từ nước ngoài. Đó cũng là nhiệm vụ không dễ dàng bởi số lượng giấy phép cũng như số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đang tăng đáng kể. Từ năm 2008 đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông đã tịch thu hơn 2 nghìn bản sách, tài liệu có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng... và hàng trăm trang bản đồ "vẽ" sai, có thể dẫn đến cách hiểu lệch lạc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Bà Trần Thị Mai Dung, Trưởng phòng Quản lý Báo chí - Xuất bản thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: "Khối lượng hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu những năm gần đây rất lớn, trong đó, năm 2013 là khoảng 4 nghìn hồ sơ. Nội dung xuất bản phẩm cũng ngày càng phức tạp với nhiều vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thể hiện trên nhiều chất liệu và nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban Nha, Hàn Quốc... Đặc biệt là những xuất bản phẩm đề cập tới vấn đề tôn giáo, chính trị nhưng lại thể hiện bằng ngôn ngữ không phổ biến như Thái Lan, Hà Lan. Việc thẩm định khi đó đòi hỏi sự phối hợp của các chuyên gia về ngôn ngữ cũng như chuyên ngành liên quan".
Sự khó về quản lý do nhiều nguyên nhân, liên quan đến nguồn nhân lực, cơ chế và điều kiện quản lý. Chẳng hạn, theo một số chuyên gia, điều 41 của Luật Xuất bản quy định, trường hợp phát hiện xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm thì các cơ quan quản lý nhà nước có quyền từ chối cấp giấy phép hoặc yêu cầu cung cấp một bản để thẩm định. Tuy nhiên, việc "xác định xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm" mà chỉ căn cứ vào danh mục và nội dung tóm tắt của xuất bản phẩm được kê khai trên danh mục là không dễ thực hiện. Trên thực tế, đã có những trường hợp cơ quan quản lý phát hiện nội dung vi phạm trong những tài liệu thuần túy về khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, thậm chí là trong sách về ẩm thực… Đó là những điều hầu như không thể phát hiện qua danh mục kê khai.
Thách thức đối với công tác quản lý xuất bản phẩm đang không ngừng tăng, đặc biệt là khi mảng xuất bản điện tử đã trở thành hiện thực sống động. Theo đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, công tác quản lý xuất bản phẩm điện tử hiện rất khó khăn bởi chúng được phát hành từ các nguồn có tên miền khác nhau; nguồn từ trong nước thì còn có thể kiểm tra, xử lý chứ đối với tên miền nước ngoài hoặc từ máy chủ đặt ở nước ngoài thì rất nan giải.
Trong một nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về lĩnh vực này vào năm 2011, các chuyên gia nêu rõ rằng: Nhà nước cần sớm ban hành luật về quản lý xuất bản phẩm, công bố tác phẩm trên internet ở Việt Nam. Luật Xuất bản 2012 đã có một chương riêng về xuất bản điện tử, tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế quản lý xuất bản phẩm điện tử thì không có cách nào khác, ngành xuất bản phải có những công cụ được cụ thể hóa hơn nữa nhằm hạn chế tình trạng biết mà không xử lý được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.