(HNM) - Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra, đánh giá, xếp loại, xây dựng chuỗi nông sản an toàn nhằm kiểm soát chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường.
Kiểm tra... ra vi phạm
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đã thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, lập danh sách được 18.140 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Rõ ràng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định như: VietGAP, chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
Các ngành chức năng kiểm tra điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp quận, huyện, xã, phường chưa được hoàn thiện, thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn chưa phù hợp và thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm an toàn, ngại sử dụng thịt mát, thịt cấp đông, do vậy, chưa thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đầu tư, phát triển...
Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với các vi phạm, còn nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm... Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện 42 cơ sở vi phạm với lỗi chủ yếu: Không rõ nguồn gốc xuất xứ; người sản xuất, kinh doanh không có giấy khám sức khỏe, xác nhận kiến thức; không bảo đảm điều kiện bảo quản, vận chuyển... tổng số tiền phạt hơn 400 triệu đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về đẩy mạnh kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu; sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất, lực lượng Thanh tra Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra và phát hiện một cơ sở có hành vi đưa tạp chất vào tôm, qua đó, tham mưu với thành phố xử phạt hành chính 94,5 triệu đồng. Trao đổi về khó khăn ở cơ sở khi thực hiện quản lý an toàn thực phẩm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, hiện nay, kinh phí triển khai an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện, xã còn khó khăn, chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao; ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và trách nhiệm của một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao; còn tình trạng người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt và việc xử lý vi phạm một số nơi còn nương nhẹ, chưa kiên quyết...
Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở phối hợp với chính quyền địa phương tập huấn nghiệp vụ kiểm tra đánh giá phân loại cho cán bộ được phân công quản lý của các đơn vị thuộc sở, quận, huyện, xã, phường; tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; kiến thức an toàn thực phẩm và cách nhận biết, lựa chọn sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật, cung cấp danh sách kết quả xếp loại (A, B, C), chuỗi sản phẩm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn được xác nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Các đơn vị của Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm sản, thủy sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm; tổ chức lấy mẫu thực phẩm, vật tư nông nghiệp để giám sát chất lượng và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật; phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, thu hẹp, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Chính quyền địa phương cần bố trí đủ kinh phí, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan được phân công nhiệm vụ quản lý theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân cấp của thành phố. Các xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác quản lý, tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc địa bàn nhằm từng bước đưa việc quản lý an toàn thực phẩm vào nền nếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.