(HNM) - Dưới góc nhìn thực tế, khách quan, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa đã phân tích nguyên nhân khiến lễ hội chưa hết “sạn”; đồng thời, cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra trong xuân hội 2017 và những năm tiếp theo.
Dưới góc nhìn thực tế, khách quan, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa đã phân tích nguyên nhân khiến LH chưa hết “sạn”; đồng thời, cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra trong xuân hội 2017 và những năm tiếp theo. Đồng thời, khuyến cáo cần có giải pháp để công tác quản lý, tổ chức LH phù hợp với đời sống xã hội đương thời.
Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) đã trở thành ngày hội văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ hôm nay.Ảnh: Bá Hoạt |
Nguy cơ quá tải, trục lợi
Bộ VH-TT&DL đánh giá, công tác quản lý, tổ chức LH năm 2016 có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Ban tổ chức LH Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh); đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ); miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)… thực hiện tốt công tác tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của LH, góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia LH. Công tác giữ gìn vệ sinh, môi trường ở LH chùa Hương (Hà Nội), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình)... được cải thiện rõ rệt.
Tuy vậy, công tác tổ chức ở một số LH vẫn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá khách còn tồn tại ở LH đền Trần (Nam Định); hiện tượng khấn thuê chưa được khắc phục triệt để tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)... Đáng nói hơn, tình trạng tổ chức LH tràn lan, lợi dụng LH để trục lợi còn xảy ra ở một số địa phương.
Theo Thanh tra Bộ VH-TT&DL, hội chọi trâu của nhiều địa phương như xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc); huyện Phúc Thọ (Hà Nội); huyện Vị Xuyên, Bắc Quang (Hà Giang); huyện Hàm Yên (Tuyên Quang); huyện Lục Yên (Yên Bái); xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai)... không phải là LH truyền thống và chưa thực hiện nghiêm các quy định hiện hành. Gọi là LH, nhưng nhiều nơi lại bán vé xem chọi trâu, thậm chí trâu đang chọi trong sân, phía ngoài đã bày bán tràn lan thịt trâu gắn mác “trâu chọi”...
Nguyên nhân khiến LH chưa hết “sạn” được chỉ rõ là do ý thức của một số cá nhân khi tham gia LH chưa cao; nhận thức của cộng đồng về LH chưa đầy đủ. Ban tổ chức LH, chính quyền một số địa phương chưa phát huy tinh thần trách nhiệm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng trong khâu tổ chức, quản lý… Từ thực tế đó, Bộ VH-TT&DL cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra trong mùa xuân hội 2017 và những năm tiếp theo. Đó là việc một số địa phương cố tình tổ chức hội chọi trâu và các LH tương tự để bán vé, trục lợi; phục dựng LH khi chưa đủ luận cứ khoa học, làm sai lệch giá trị, bản chất của LH. Số người tham gia LH ngày càng đông, trong khi không gian LH không thay đổi, dẫn đến sự quá tải…
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Cho rằng, công tác quản lý, tổ chức LH sẽ đi vào “quỹ đạo” khi các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng dân cư tạo thành thế “kiềng ba chân”, bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) kiến nghị, đối với bất kỳ LH nào, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng nên tôn trọng, chia sẻ, đối thoại và bàn bạc với cộng đồng. Khi cộng đồng hiểu, tự bản thân họ sẽ tham gia vào LH với tinh thần chủ động, thái độ tích cực. Nhà khoa học, với sự hiểu biết của mình, họ sẽ giúp cộng đồng và chính quyền các địa phương hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của LH, tránh phục dựng LH tùy tiện, tổ chức tràn lan. Điều này đã được “kiểm chứng” trên thực tế. Người dân làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) vốn cho rằng tục chém lợn trong LH làng là truyền thống văn hóa lâu đời, khi phục dựng LH làng, họ giữ tục này, gây bức xúc dư luận xã hội. Sau đó, các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu và chứng minh được LH làng Ném Thượng chỉ giết lợn để cúng, không có tục chém lợn, thì cộng đồng đã thay đổi nhận thức và tự nguyện xóa bỏ nghi lễ mới này trong hội làng.
“Qua các cuộc đối thoại dân chủ, khách quan giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học và cộng đồng dân cư, nhân dân xã Hiền Quan và Hương Nha, huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã đồng thuận cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu hình thức tổ chức LH phù hợp, từng bước loại bỏ hành động bạo lực, phản cảm trong LH” - đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, khách đến với LH đông là tín hiệu vui, chứ không phải là hiện tượng đáng lo ngại. Vấn đề là các ngành, địa phương cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân địa phương và du khách về giá trị, ý nghĩa, lợi ích của LH, hướng họ tới những ứng xử văn hóa, văn minh khi tham gia LH. Để làm được như vậy, ngay trong mùa xuân hội 2017 này, các cơ quan chức năng thấy LH nào có yếu tố trục lợi, phục vụ lợi ích của một nhóm người phải ngăn chặn, kiên quyết không cho phép tổ chức. Khi LH quá tải, lực lượng quản lý, phục vụ cần khuyến cáo, ngăn chặn từ xa, tránh lượng người quá đông đổ về một địa điểm, gây mất an toàn. Điểm nào tốt rồi, các địa phương cố gắng duy trì, phát huy, điểm nào chưa tốt cần khắc phục dần. “Đây là nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài, hôm nay chúng ta làm, có thể đến thế hệ con, cháu chúng ta mới được hưởng lợi, nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm làm. Có như vậy, những giá trị tốt đẹp mới dần lan tỏa” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Xuân hội 2017 đang đến gần. Hy vọng với sự quyết tâm của Ngành Văn hóa, công tác quản lý, tổ chức LH sẽ dần đi vào nền nếp.
Bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam): “Ngoài những nguy cơ dễ nhận diện, công tác quản lý LH ở một số nơi còn có biểu hiện cạnh tranh giữa các cộng đồng cùng thực hành LH; có biểu hiện của việc lợi dụng Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vừa được UNESCO vinh danh để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi...”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.