(HNM) - Số lượng cơ sở hành nghề y dược tư nhân rất lớn nhưng nhân lực tham gia công tác quản lý lại mỏng, hệ quả là công tác hậu kiểm gặp nhiều khó khăn.
Bài 2: Khó khăn “hữu hình”, rào cản “vô hình”
(HNM) - Số lượng cơ sở hành nghề y dược tư nhân rất lớn nhưng nhân lực tham gia công tác quản lý lại mỏng, hệ quả là công tác hậu kiểm gặp nhiều khó khăn. Nhưng ngành y tế không chỉ gặp khó khăn "hữu hình" ấy, mà còn vấp phải những rào cản "vô hình" khiến cho nỗ lực đưa hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân vào nền nếp không đạt hiệu quả cần thiết, như thể "bắt cóc bỏ đĩa".
Muốn quản cũng khó
Trước mỗi hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định hiện hành của một cơ sở y tế tư nhân nào đó, dư luận thường "luận tội" cơ quan quản lý buông lỏng, không làm hết trách nhiệm. Nhưng, thực tế thì ngành y tế muốn quản cũng khó.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là những điểm chưa hợp lý trong phân cấp quản lý. Theo phân cấp, một số phòng khám (PK) tư nhân chịu sự quản lý trực tiếp từ Sở Y tế thành phố, và việc cấp phép, thẩm định, thanh tra, kiểm tra ở các PK này được thực hiện khá nghiêm túc. Điểm yếu nhất hiện nay chính là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là các PK theo phân cấp là do phòng y tế quận, huyện quản lý. Nguyên nhân được chỉ ra là trình độ nghiệp vụ của cán bộ y tế ở tuyến này còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực y, dược, y học cổ truyền, nên việc thanh - kiểm tra chỉ dừng lại ở khâu hành chính, giấy tờ. Thêm nữa, kể từ khi Luật khám chữa bệnh có hiệu lực (năm 2011), bác sĩ đương chức có thể hành nghề tư, nên số lượng PK tư tăng, trong khi số lượng thanh tra viên chuyên trách không được bổ sung tương ứng. Hà Nội được tiếng có lực lượng thanh tra "hùng hậu" nhất, thì cũng chỉ khoảng 20 người, trong khi số lượng bệnh viện, PK tư lên đến hơn 2 nghìn. Cho nên, tuy Sở Y tế Hà Nội xác định công tác quản lý các cơ sở y tế ngoài công lập, đặc biệt là PK có yếu tố nước ngoài là công tác trọng tâm, bên cạnh làm theo kế hoạch và chuyên đề lại thường xuyên thanh tra đột xuất theo đơn, thư của công dân, phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng nhưng cả năm 2012 cũng chỉ kiểm tra được 30 lượt cơ sở. Trong khi đó, các PK luôn có nhiều "sáng kiến" nhằm qua mắt thanh tra, như khi có đoàn thanh tra đến thì bác sĩ nước ngoài cởi bỏ áo blu, đóng vai người đến tìm hiểu về PK hoặc giả là người nhà bệnh nhân. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, một trong những khó khăn khi thanh tra PK có yếu tố nước ngoài là đơn vị chủ quản thường đặt PK ngay tại trụ sở của mình, đoàn thanh tra chỉ được phép kiểm tra tại khu vực PK, bởi thế mà nhiều lúc, khi thanh tra đang đọc quyết định kiểm tra thì bác sĩ nước ngoài đã chuồn khỏi PK, không thể bắt lỗi. Số lượng PK có yếu tố nước ngoài liên tục thay đổi. Nhiều bác sĩ nước ngoài được cấp phép hành nghề, đã nghỉ việc nhưng không báo với cơ quan quản lý nên việc kiểm tra, giám sát càng khó khăn. Điều này lý giải vì sao, vào năm ngoái, khi PK Maria xảy chuyện, ngành y tế không biết 6 vị bác sĩ người Trung Quốc ở đâu, làm ở PK từ bao giờ.
"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong quản lý nội dung quảng cáo của các PK là lý do khiến các PK này, nhất là cơ sở có yếu tố nước ngoài lôi kéo được nhiều bệnh nhân đến với mình bằng cách quảng cáo quá khả năng thực tế. Ngành y tế duyệt nội dung quảng cáo, nhưng khi quảng cáo được phát, in trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nội dung ấy đã được "nâng cấp", không sao kiểm soát được. Sự "vô tình" tiếp tay cho những màn quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn của các PK đã tạo sự lầm tưởng cho người bệnh vốn đang "vái tứ phương".
Có sự bao che?
Dư luận đặt ra câu hỏi này bởi có những PK liên tiếp bị "phạt, cho tồn tại", mức phạt thì nhẹ, chỉ cần thu của 2 bệnh nhân là đã "đủ bù chi". Vì sao có chuyện "nhẹ tay"?
Theo quan điểm của Bộ Y tế, các quy định về quản lý hành nghề y dược tư nhân đã đầy đủ, chỉ cần các địa phương thực hiện đúng và đủ. Ví dụ như điều 3 Nghị định 96/2011/ NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực KCB có quy định, ngoài phạt tiền lên đến 40 triệu đồng thì "tùy tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn". Tuy nhiên, trong thực tế, "quyền" nói trên ít được sử dụng và cơ quan quản lý thường giải thích rằng "sai đến đâu, xử lý đến đấy". Trong bối cảnh ấy, nhiều người cho rằng quyết định xử lý phòng khám Apollo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vào ngày 5-9 vừa qua (đình chỉ hoạt động 12 tháng vì cung cấp các dịch vụ KCB quá khả năng chuyên môn, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật điều trị, sử dụng thuốc chưa được phép, bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ…) có lẽ là trường hợp "cá biệt" bởi trong thực tế, có nhiều PK vi phạm liên tục nhưng vẫn được phép hoạt động.
Sự vi phạm mang tính hệ thống mà không được xử lý dứt điểm thì chỉ có thể lý giải bằng 2 lý do: Bộ máy quản lý yếu kém hoặc có sự nương tay của nhà quản lý. Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Bùi Đức Phong từng nêu vấn đề: Vì sao có PK bị phạt liên tục nhưng chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng mới đình chỉ giấy phép hành nghề? Đó là một câu hỏi mở bởi cho đến nay, sự hạn chế trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm của các PK tư vẫn còn hiện hữu.
KCB là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe người dân, thậm chí là cả sự sống và cái chết, bởi thế, lĩnh vực này đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ hơn, có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, đối với hoạt động KCB có yếu tố nước ngoài, ngành y tế rất cần sự hỗ trợ của các ngành khác như công an, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, truyền thông đại chúng. "Khác với trước đây, ngành y tế sẽ chủ động phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), phòng Quản lý xuất nhập cảnh, phòng An ninh - Công an TP Hà Nội để thanh, kiểm tra các cơ sở KCB có yếu tố nước ngoài, bảo đảm đưa hoạt động của các cơ sở này vào khuôn khổ trong thời gian tới". Ông Nguyễn Khắc Hiền hy vọng người dân - chủ thể quyết định sự tồn tại của các cơ sở KCB tư nhân, cùng tham gia giám sát, quản lý hoạt động KCB bằng việc làm cụ thể. "Không khó đâu, chỉ cần người bệnh tự kiểm soát xem phí phải trả có đúng với giá niêm yết không, có bị chỉ định làm xét nghiệm không cần thiết hay không; bao bì, nhãn mác thuốc có rõ ràng hay không… và phản hồi với cơ quan quản lý những hành vi sai phạm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.