(HNM) - Vụ việc nhà sản xuất nước giải khát C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng vừa bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt gần 6 tỷ đồng khiến người tiêu dùng hoang mang. Trên thị trường hiện nay có đủ loại mặt hàng nước giải khát, nước uống đóng chai trong khi khâu quản lý lại bộc lộ nhiều… lỗ hổng.
Công ty URC bị phạt gần 6 tỷ đồng vì có sản phẩm C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép Ảnh: Quang Định |
Theo quy định hiện hành, để ra đời một cơ sở nước uống đóng chai, nước giải khát chủ sản xuất chỉ cần đến Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký kinh doanh sau đó mới dần dần hoàn thiện các điều kiện quy định, gồm nhiều khoản phụ thuộc vào nhiều cơ quan chức năng khác, trong đó có ngành Y tế. Các cơ sở cũng được quyền tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Họ được tự đem mẫu nước đi xét nghiệm và mẫu nước đó có đúng là sản phẩm của cơ sở hay không thì chẳng ai biết. Cơ quan chức năng chỉ làm công tác hậu kiểm.
Bà Nguyễn Thiên Hương, phụ trách truyền thông Công ty TNHH URC Việt Nam (nhà sản xuất nước giải khát C2 và Rồng Đỏ) cho biết, tuân thủ quy định của Bộ Y tế, định kỳ 6 tháng URC gửi mẫu sản phẩm để kiểm tra tiêu chuẩn. Đầu tháng 1 năm nay, URC gửi mẫu trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia (NIFC) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Quatest 3). Kết quả từ NIFC có phát hiện hàm lượng chì, còn kết quả của Quatest 3 không phát hiện chì. Vì các kết quả lệch nhau nên sau đó URC chủ động gửi các mẫu đối chiếu và nguyên liệu (lấy cùng lô và khác lô với mẫu NIFC kiểm nghiệm có chì) đến nhiều trung tâm đo lường kiểm tra chất lượng khác nhau như: NIFC, Quatest 1, Quatest 3, Eurofins, SGS, ASE... Ngoại trừ NIFC, các trung tâm còn lại đều không phát hiện chì.
URC tiếp tục gửi mẫu nguyên liệu axit citric và các sản phẩm C2, Rồng Đỏ đến Trung tâm Kiểm nghiệm độc lập hàng đầu quốc tế Setsco. Kết quả trả về ngày 11-5 cho thấy, tất cả mẫu đều an toàn, không nhiễm chì. Theo xét nghiệm ngẫu nhiên mới nhất vào ngày 10-5 của NIFC, các mẫu nguyên liệu axit nitric của URC cũng đạt chuẩn.
Thế nhưng sau đó, thông tin về các phiếu kết quả xét nghiệm của NIFC trên một số lô trà xanh C2 và Rồng Đỏ của Công ty URC sản xuất từ tháng 2 đều cho thấy, hàm lượng chì vượt ngưỡng tiêu chuẩn được lan truyền trên mạng. Kết quả kiểm nghiệm sau đó liên tục thay đổi. Ngày 13-5, Cục ATTP (Bộ Y tế) ra thông báo ban đầu về kết quả kiểm nghiệm và khẳng định 10/10 mẫu C2 và Rồng Đỏ mà Cục gửi đến Viện Dinh dưỡng để kiểm tra đều an toàn. Một tuần sau, ngày 20-5, Thanh tra Bộ Y tế lại có văn bản yêu cầu thu hồi sản phẩm C2 và Rồng Đỏ trong 3 lô sản xuất có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố. Đến ngày 23-5, URC cũng tự đưa ra quyết định dừng lưu thông thêm 2 lô C2 và Rồng Đỏ sản xuất từ tháng 1, khi trên mạng rò rỉ thêm kết quả kiểm nghiệm chì vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn của các lô hàng này.
Diễn biến nói trên cho thấy, quy trình kiểm nghiệm và công bố kết quả của Bộ Y tế quá chậm và thiếu thống nhất. Đáng tiếc, đây không phải là lần đầu xảy ra việc cùng một sản phẩm có các kết quả xét nghiệm khác nhau. Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững - Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, ngay cả việc kiểm soát hoạt động của phòng kiểm nghiệm ATTP còn thiếu chặt chẽ, dẫn tới cùng một mẫu sản phẩm nhưng có kết quả kiểm nghiệm khác nhau. Nhưng chưa mấy người nhắc tới trách nhiệm của cơ sở kiểm nghiệm sai. Ngoài ra, thời gian kiểm nghiệm có khi tới 15 ngày mới có kết quả, lúc này sản phẩm có khi đã được tiêu thụ hết.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 425 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình các loại được phân cấp cho Chi Cục ATVSTP Hà Nội quản lý. Muốn kiểm tra hết số cơ sở trên cũng mất hơn một năm. Và có thực tế là khi cơ quan chức năng thẩm định, cấp giấy phép thì cơ sở làm rất tốt, nhưng sau đó quy trình sản xuất lại không được doanh nghiệp tuân thủ. Hơn 5,8 tỷ đồng là mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong ngành Y tế từ trước tới nay. Tuy nhiên, con số này chẳng "thấm vào đâu" so với những thiệt hại mà người tiêu dùng và xã hội phải gánh chịu.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đưa ra khuyến cáo, tất cả các loại nước pha chế, đóng chai đều có khả năng nhiễm chì. Có thể do nguồn nước chế biến không được xử lý theo đúng tiêu chuẩn hoặc trong các chất phụ gia có thể nhiễm chì từ khâu sản xuất trước đó. Vì vậy, để hạn chế những nguy cơ tới sức khỏe, chúng ta nên hạn chế sử dụng các loại nước pha chế, đóng chai. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), nếu uống nước nhiễm chì thời gian ngắn thì không sao nhưng nếu uống thời gian dài có thể tích tụ chì trong cơ thể. Với những người uống những sản phẩm trên liên tục, dài ngày thì nên đi xét nghiệm chì trong máu tại Trung tâm Chống độc, Viện Hóa học. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.