Với lịch sử tồn tại lâu dài, nhà ở thấp tầng được chia thành nhiều nhóm đa dạng, hình thành nên bản sắc của đô thị. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, việc đề xuất các giải pháp quản lý về cảnh quan kiến trúc với các nhóm nhà ở này đang là nhiệm vụ đặt ra với những đô thị lâu đời, có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội.
Nhiều hạn chế lịch sử để lại
Kiến trúc sư Vũ Đinh Thành, Viện Kiến trúc quốc gia khái quát, nhà ở thấp tầng trong đô thị bao gồm nhóm nhà ở liền kề dân cư hiện hữu có quy mô diện tích từ rất nhỏ 25m2 đến rất lớn 200m2, cao phổ biến 3-5 tầng, cá biệt cao hơn từ 9 đến 11 tầng, kiến trúc theo kiểu nhà ống phân lô. Đây là nhóm chiếm tỷ lệ lớn, tập trung nhiều ở khu vực trung tâm và các khu vực cũ trong đô thị.
Tại Hà Nội, đáng chú ý có quỹ biệt thự, nhà ở thấp tầng cổ, cũ đã được công nhận là di tích, được bảo tồn, tu bổ, sử dụng theo luật di sản. Bên cạnh đó, nhiều công trình nhà ở thấp tầng đang sử dụng có giá trị chưa được xếp hạng, dự kiến sẽ được lập danh sách kiểm kê.
Trong các dự án phát triển đô thị mới, ngoài biệt thự có loại hình nhà ở tiêu chuẩn cao cấp và nhà ở liên kết với tính năng kinh doanh thương mại, dịch vụ.
“Do lịch sử để lại, kiến trúc công trình nhà ở thấp tầng còn nhiều lộn xộn, kém chất lượng, ít chú ý đến tổng thể và sự đồng bộ, gây nên hiện trạng phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị”, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia đánh giá.
Phân tích cụ thể hơn, các kiến trúc sư cho rằng, các xu hướng kiến trúc nhại cổ, sai tỷ lệ, thiếu thích ứng với khí hậu xuất hiện khá phổ biến trong kiến trúc nhà ở thấp tầng đô thị thời gian qua. Trong khi đó, những thiết kế mang tính sáng tạo nghệ thuật, tính đương đại lại vắng bóng, đặc biệt là sự tiệm cận với các xu hướng kiến trúc xanh, thích ứng khí hậu nhiệt đới còn hạn chế.
“Loại hình nhà ở shophouse đã xuất hiện phổ biến tại một số khu đô thị mới với việc bố trí kinh doanh dịch vụ, thương mại cá thể tại tầng một. Trong khi đó, việc thiếu quy định cơ sở, quy định về tỷ lệ khối tích, tầng cao, cũng như tỷ lệ giữa các không gian sinh hoạt gia đình và kinh doanh thương mại, dịch vụ dẫn đến tiềm ẩn nhiều bất cập cần phải giải quyết trong tương lai cả ở cấp độ từng ngôi nhà riêng lẻ cũng như tổng thể toàn khu vực đô thị”, kiến trúc sư Vũ Đinh Thành nêu.
Nhận diện đặc trưng để quản lý
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quản lý kiến trúc nhà ở thấp tầng trong đô thị cần gắn với quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch. Với những đặc thù riêng của lịch sử phát triển đô thị tại Hà Nội, thành phố cần nghiên cứu để nhận diện rõ nét đặc trưng kiến trúc của khu phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, cũng cần nhận diện quỹ di sản, xem xét đến những công trình đặc thù cần bảo vệ để phát huy giá trị. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, thành phố nên nghiên cứu thiết kế đô thị tại những khu vực trọng điểm, tuyến phố trung tâm.
Cũng tại các khu vực lõi đô thị này, theo kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, cần hạn chế phát triển nhà ở thấp tầng theo hình thức phân lô, với quy mô diện tích nhỏ, tầng cao lớn. Công trình phải bảo đảm các yêu cầu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, khoảng lùi… theo quy hoạch và giấy phép xây dựng.
Lưu tâm đến thiết kế đô thị cho tuyến đường mới mở, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần có hướng dẫn xây dựng chi tiết cho công trình sau giải phóng mặt bằng. Hồ sơ thiết kế xin cấp giấy phép xây dựng cần có nội dung khảo sát mặt tiền hai nhà liền kề để có phương án thiết kế tạo nên sự hài hòa chung. Về hình thức và thẩm mỹ kiến trúc, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cần ưu tiên áp dụng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, có tính bản sắc và nhận diện cao, theo đúng với xu hướng phát triển. Kiến trúc nhà thấp tầng dọc theo các trục tuyến phố cần có sự thống nhất về tổng thể trong không gian toàn tuyến như chiều cao, khoảng lùi, hình thức kiến trúc.
Để thay đổi diện mạo đô thị Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang các công trình nhà ở thấp tầng siêu mỏng, siêu méo, quy mô nhỏ, đã xuống cấp, không còn bảo đảm chất lượng. Tại các khu vực lõi đông đúc như khu phố cổ, phố cũ, làng cũ trong nội đô, là nơi có chất lượng sống còn chưa đạt chuẩn, cần giảm bớt số lượng và mật độ nhà ở hiện hữu để cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là bổ sung công viên cây xanh, không gian thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.