Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô: Siết chặt từ đâu?

Nguyễn Đức| 20/06/2011 07:05

(HNM) - Hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô thời gian qua đã được cải thiện đáng kể về chất lượng với sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà xe. Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa tốt, nên sự cạnh tranh đó không phải lúc nào cũng lành mạnh, tích cực mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do phóng nhanh, vượt ẩu, dừng, đỗ, đón trả khách bừa bãi…

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 24-6-2010, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 14/2010/TT-BGTVT quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô. Vậy mà mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải xây dựng và trình dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư này. 

Tình trạng đón, trả khách bừa bãi sẽ không còn nếu các bến xe được quy hoạch, xây dựng hợp lý, đáp ứng nhu cầu của hành khách. Ảnh: Phương An


Đẻ sớm, chết non…
Thông tư 14 có những quy định cụ thể nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô. Một trong những quy định đó là bắt buộc phải đón, trả khách tại các bến. Khoản 1, Điều 19 Thông tư nêu rõ: "Lái xe thực hiện đúng biểu đồ vận hành đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận; thực hiện đúng hành trình, lịch trình, đón hành khách tại bến xe nơi đi, trả hành khách tại bến xe nơi đến, không đón, trả khách dọc đường".

Quy định này đã từng vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà xe và dư luận với suy nghĩ xe sẽ phải chạy thẳng một mạch từ điểm xuất phát tới điểm đến mới được trả khách. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Ngọc Thành cho biết, theo thông tư, xe chạy đường dài có thể vào các bến dọc đường đón khách như tàu hỏa vào ga dọc tuyến, nhưng phải có lịch trình cụ thể, được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Việc phân khúc vận chuyển sẽ tăng tính chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong phạm vi vài chục kilômét đã có xe buýt và các loại phương tiện vận tải công cộng khác phục vụ để thu gom hành khách về các bến. Rõ ràng, nếu quy định trên được thực hiện nghiêm túc, các nhà xe sẽ "hết cửa" dừng, đỗ đón, trả khách trên đường. Việc quy định chính xác địa điểm được dừng đón, trả khách sẽ không chỉ thuận lợi cho công tác quản lý mà còn giải quyết triệt để tình trạng đón, trả khách bừa bãi trên nhiều tuyến giao thông. Nhưng với điều kiện cơ sở hạ tầng, vận tải công cộng hiện tại, không dễ thực hiện quy định trên. Chính vì sự thiếu tính kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải, đặc biệt ở những tỉnh lẻ, nên hành khách vẫn thích lên xuống tự do để giảm… chi phí đi lại và đương nhiên trong trường hợp này nhà xe sẽ tận tình phục vụ "thượng đế" để kiếm tiền.

…hay thiếu tư duy bao quát, quản lý đồng bộ?
Một văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa được 1 năm, không đi vào được cuộc sống và phải sửa đổi, bổ sung là điều không nên có. Tuy nhiên, với ngành GTVT dường như đây là chuyện bình thường khi thời gian qua, hàng loạt quy định đã phải lùi thời hạn áp dụng, điển hình là việc cấp bằng FC hay lắp thiết bị giám sát hành trình.

Việc quy định địa điểm được dừng đón, trả khách sẽ giải quyết triệt để tình trạng đón, trả khách bừa bãi. Ảnh: Đàm Duy


Trở lại hoạt động quản lý vận tải, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14 dự kiến sẽ sửa đổi khoản 1, Điều 19 là "Lái xe phải thực hiện đúng biểu đồ chạy xe, đón, trả khách tại bến xe nơi đi, nơi đến và các điểm dừng đón, trả khách theo quy định". Quy định này "mở hơn", phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện tại của nhiều địa phương. Quy định trước đây bắt buộc vào bến là rất văn minh, nhưng không phải địa phương nào cũng có bến bảo đảm điều kiện hoặc đầu tư xây dựng bến hàng loạt để đáp ứng nhu cầu hành khách. Ngay cả các trạm dừng, nghỉ xây dựng tốn kém cũng được đón, trả khách là lãng phí. Vấn đề đặt ra là dường như cơ quan quản lý nhà nước thiếu tầm nhìn bao quát, tổng thể do đó mới ban hành những quy định chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Hiện nay, các cơ quan chức năng gần như bất lực trước tình trạng dừng đón, trả khách sai quy định với lý do "muôn năm cũ" là thiếu nhân lực và chế tài. Do vậy, để siết chặt hoạt động vận tải, cần phải có và thực hiện đồng bộ những quy định chặt chẽ. Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì đến ngày 1-7-2011, một số loại phương tiện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị thực hiện chậm nên ngày 16-5-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó cho phép lùi thời hạn xử phạt việc không lắp thiết bị giám sát hành trình đến ngày 1-7-2013. Thiết bị giám sát hành trình sẽ lưu giữ nhiều thông tin quan trọng, trong đó có việc dừng, đỗ, đón trả khách. Chỉ cần kiểm tra thiết bị này, cơ quan chức năng có thể phát hiện xe có dừng, đỗ, đón trả đúng quy định hay không để có biện pháp xử lý.

Rõ ràng, cái bất ổn ở đây là tầm nhìn và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô: Siết chặt từ đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.