Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Không thể chần chừ

Đỗ Tâm| 26/08/2013 06:11

(HNM) - Chị Kim, nhà ở quận Hoàng Mai kể, tận mắt chứng kiến cảnh giết mổ gia súc, gia cầm lộn xộn, mất vệ sinh diễn ra ở khu vực gần nhà, gia đình chị từ mấy năm nay chỉ mua thịt ở siêu thị.



Tuy giá đắt hơn ngoài chợ song bù lại là yên tâm về chất lượng và vệ sinh, an toàn... Tất nhiên, trường hợp của chị Kim chưa phải là phổ biến song việc này cho thấy nhiều người dân đã bắt đầu e ngại thực phẩm thịt bày bán ngoài chợ...

Theo khảo sát của Sở Công thương Hà Nội, nhu cầu sử dụng thịt GS, GC của thành phố năm 2013 ước khoảng 272.000 tấn (745,2 tấn/ngày), đến năm 2015, nhu cầu sẽ là 314.000 tấn (872 tấn/ngày).

Cần đầu tư xây dựng thêm nhiều lò giết mổ gia súc, gia cần hiện đại để bảo đảm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.


Hà Nội hiện có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp (công suất thiết kế 200 tấn/ngày), 8 khu giết mổ tập trung (công suất 250 tấn/ngày), có thể sản xuất, cung ứng tới 59,7% nhu cầu thịt lợn và 88,7% nhu cầu thịt gia cầm của toàn thành phố. Song vì nhiều lý do, các cơ sở này mới chỉ bảo đảm được 30% nhu cầu thịt lợn và 15% về thịt gia cầm, số còn lại và toàn bộ thịt trâu bò đang được cung ứng từ gần 2.000 cơ sở, điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không kiểm soát được an toàn thực phẩm. Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, 7 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã xử lý 670 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm động vật, tịch thu tiêu hủy hơn 60 tấn gà lông, sản phẩm gia cầm tươi sống, gà đông lạnh, 29 tấn sản phẩm động vật (lòng, nầm, chân móng...) không rõ nguồn gốc, không bảo đảm VSATTP... Tuy nhiên, so với thực tế, con số này chỉ như muối bỏ bể.

Để kiểm soát tốt hoạt động giết mổ, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn rất cần triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý. Vậy nên, Đề án "Quản lý giết mổ GS, GC giai đoạn 2013-2016" do Sở NN&PTNT Hà Nội dự thảo đang tổ chức lấy ý kiến các ngành từ hơn một tháng nay để hoàn chỉnh, trình UBND TP phê duyệt, ban hành đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, được coi là bước đề pa cần thiết, Đề án hướng tới các mục tiêu cụ thể là: Hoàn thành triển khai giai đoạn 1 của Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến GS, GC trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 (theo Quyết định phê duyệt số 5791/QĐ-UBND của UBND TP ngày 12- 12-2012). Xây dựng mới 10-15 cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện trong giai đoạn 2013-2016. Phấn đấu đến năm 2016, giảm 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện tại; các cơ sở giết mổ công nghiệp, tập trung đáp ứng được nhu cầu đối với 70% về thịt lợn, 60% về gia cầm và 50% về trâu bò...

Từ cách đây khoảng 15 năm, thành phố đã đề cập đến công tác quản lý giết mổ song mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung chứ chưa đề cập đến gia cầm. Trong tình hình mới, quản lý giết mổ không thể tách rời quản lý chế biến và phát triển vùng chăn nuôi, tức là vấn đề đã được nâng lên ở tầm cao hơn, đầy đủ hơn và các nhà quản lý cũng đã thấy được là không thể mong chờ sự chuyển biến chỉ đến từ việc hô hào tăng cường kiểm tra kiểm soát. Do vậy, theo ý kiến của đại diện nhiều sở, ngành, sau khi Đề án được phê duyệt, UBND thành phố sẽ phải thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện. UBND các quận, huyện, thị xã cũng phải thành lập BCĐ, tập trung vào việc thực hiện quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ GS, GC tại địa phương; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; xây dựng phương án và tổ chức triển khai việc bố trí các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung theo quy hoạch...

Cũng từng gặp không ít khó khăn song TP Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác quản lý khá kiên quyết từ năm 2005 và hiện đã kiểm soát được 80% GS, GC trước khi giết mổ. Kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh hẳn cần được Hà Nội nghiên cứu áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Không thể chần chừ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.