(HNM) - Ngày 26-4, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến
Người tiêu dùng lo ngại sẽ mua phải những loại sữa không đúng với thông tin được cung cấp từ người bán hàng. Ảnh: Như Ý |
“Ma trận” mang tên “sữa bột”
Đổi tên sản phẩm sữa để "lách luật" trốn thuế, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, nhiều mặt hàng sữa chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn trôi nổi trên thị trường… là nội dung những câu hỏi đã được đặt ra cho đại diện nhiều cơ quan chức năng như: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý thị trường - QLTT (Bộ Công thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Đây cũng là băn khoăn của hàng triệu NTD đã, đang thậm chí sẽ mua phải những mặt hàng sữa hay sản phẩm tương tự không đúng với những thông tin được cung cấp từ người bán hàng.
Theo ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, trước ngày 1-1-2013, thời điểm Luật Giá có hiệu lực, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán phải đăng ký với cơ quan quản lý nhằm kiểm soát các yếu tố hình thành giá xem có hợp lý không. Từ ngày 1-1-2013, mặt hàng này vẫn thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc đăng ký giá chỉ là một trong nhiều biện pháp để bình ổn khi giá sữa tăng cao bất hợp lý.
Để kiểm soát chất lượng và độ an toàn của mặt hàng sữa bột, ông Lê Hoàng, Phó phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, sữa bột là nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm dành cho trẻ em, người già, bà mẹ mang thai… Trước đây sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ được gọi là sữa bột. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ chứa 15-40% sữa bột, tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ. Sản phẩm này còn chứa vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng khác… theo công thức nhất định. Bộ Y tế đã xây dựng quy chuẩn các công thức sữa dinh dưỡng dành cho trẻ, trong đó phân biệt rõ sữa bột chỉ là sữa nguyên liệu, còn tên gọi sữa bột cho trẻ em trước đây cần thay đổi cho đúng là sữa công thức dinh dưỡng hoặc thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em.
Câu trả lời của hai đơn vị chức năng cho thấy, chỉ riêng việc quản lý giá sữa và tên gọi của các sản phẩm sữa công thức (quen gọi là sữa bột) đã rất phức tạp. Không phải NTD nào khi mua sữa cũng đủ thông thái để tìm hiểu đầy đủ các quy định có liên quan nhằm tránh thiệt hại khi sử dụng. Trong khi đó, sữa hay các mặt hàng sữa công thức không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém dưới tên gọi "hàng xách tay" vẫn trôi nổi trên thị trường. Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, hằng năm lực lượng này đã phát hiện, bắt giữ hàng nghìn vụ vi phạm. Sở dĩ sữa không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại là do một số đối tượng làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kiếm lời. Vấn đề thứ hai là tâm lý "sính ngoại" của một bộ phận NTD...
Những câu trả lời đó cho thấy, mặc dù có nhiều quy định giám sát quản lý giá, chất lượng sữa và vô số sản phẩm tương tự mang tên "sữa bột" bày bán, song để tránh thiệt thòi, NTD chỉ còn một cách duy nhất: tự bảo vệ chính mình.
Quản lý giá sữa, bắt đầu từ đâu?
Trước câu hỏi về việc một số sản phẩm sữa công thức đội lốt sản phẩm dinh dưỡng để "né" quy định phải đăng ký giá, trong khi giá sữa vẫn liên tục điều chỉnh tăng, ông Phạm Vũ Anh cho rằng, trong chuỗi quản lý sản phẩm phải làm tốt từng khâu. Với một sản phẩm nhập khẩu, khi nhập vào phải xác định rõ nó là gì, nhập vào theo phân loại hàng hóa nào… Khi sản phẩm đến tay DN và họ cố tình thay tên, đổi nhãn thì cơ quan QLTT sẽ xử lý.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ngoài việc đổi tên sản phẩm để hưởng lợi bất chính, DN kinh doanh sữa và sản phẩm tương tự còn dành những khoản chi phí khổng lồ cho hoa hồng bán hàng, quảng cáo, tiếp thị… đẩy giá sữa tăng cao và NTD phải gánh. Trả lời câu hỏi này, ông Hà Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Hà Nội cho biết, giá sữa bao gồm chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo, nên giảm chi phí quảng cáo có thể giảm một phần chi phí giá sữa. Số tiền chi phí quảng cáo của các hãng sữa lớn mỗi năm có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng...
Liên quan đến trường hợp một số DN nhập khẩu nhập nhèm về tên gọi khi khai báo hải quan để hưởng thuế suất 10% còn khi kiểm nghiệm, đăng ký trong nước lại "đổi tên" là thực phẩm bổ sung với mức thuế suất 15% nhằm hưởng chênh lệch thuế suất, ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, khi phát hiện sai phạm, lực lượng QLTT căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật để xử lý. Trong vụ bê bối "Sữa dê Danlait", nếu DN nêu đúng tên là thực phẩm bổ sung thì các bà mẹ nuôi con nhỏ chưa chắc đã mua. Vì vậy, cần có tên gọi thống nhất trong các sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung để người dân dễ hiểu, mua đúng sản phẩm mình mong muốn...
Mặc dù nhiều bức xúc của NTD liên quan đến việc nhập nhèm tên gọi, chất lượng sữa và các sản phẩm tương tự đã được nêu, song trách nhiệm trước NTD thuộc về cơ quan nào thực tế chưa rõ. Ngoài sự trông chờ vào việc có một quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan, NTD vẫn phải tự bảo vệ mình trước những hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh của DN.
Đến khi nào NTD mới thực sự yên tâm khi mua sữa và các sản phẩm tương tự mà không phải đọc quá nhiều luật vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.