Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý game online: Có nên bỏ cấp phép thẩm định?

Việt Nga| 12/07/2013 08:12

(HNM) - Tại hội thảo về



Cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định cụ thể để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh game. Ảnh: Như Ý


Cuối năm 2010, do sức ép từ dư luận xã hội, Bộ TT-TT đã ngừng cấp phép game online. Mặc dù đã ngừng cấp phép gần 3 năm, nhưng thị trường game vẫn sôi động. Vì thực tế ngoài con số gần 70 game do các DN trong nước phát hành được cấp phép từ trước, người chơi trong nước được tiếp cận tới hơn 200 game trên mạng internet, chưa kể đến hàng nghìn game có sẵn trên các mạng xã hội, smartphone… Có thể thấy việc ngừng cấp phép không có tác dụng ngăn chặn nhưng lại đẩy các DN "nội" vào tình trạng phát hành game không phép. Chỉ tính riêng năm 2011 và 2012, đã có 14 DN bị xử phạt hành chính với số tiền 577 triệu đồng, với vi phạm phổ biến là phát hành game chưa được cấp phép. Như vậy, với sự phát triển mạnh của công nghệ, người chơi dễ tiếp cận với các loại hình giải trí, nên cho dù cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp ngăn chặn thì họ vẫn dễ dàng chọn game cho mình. Cách làm này không chỉ khiến DN "nội" thiệt hại mà Nhà nước thất thu thuế. Nắm được cơ hội này, nhiều DN nước ngoài chọn hình thức cấu kết với các cá nhân trong nước phát hành game lậu vào thị trường Việt Nam... Trong khi đó, thống kê cho thấy ngành game đem lại doanh thu lớn, năm 2012 ước đạt 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7.500 người lao động và gián tiếp đem lại doanh thu tới 20.000 tỷ đồng cho dịch vụ giải khát, các nhà cung cấp máy tính, điện thoại… Từ thực tế này, mới đây Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm cấp phép cho 70 hồ sơ game của DN đang xin thẩm định, theo đó Bộ sẽ ưu tiên cấp phép sớm cho những game có nội dung "sạch"…

Trở lại nội dung của hội thảo vừa qua. Hiếm có cuộc họp nào mà đa số các DN tham dự lại xin được quản lý như các DN kinh doanh game online. Có lẽ họ đã "ngấm" khi gần 3 năm qua không được cấp phép thẩm định nội dung game và để tồn tại họ buộc phải vi phạm, từ đó kéo theo không ít hệ lụy cho hoạt động của DN. Vấn đề đặt ra là cần phải quản lý hoạt động này thế nào? Lãnh đạo Hội Truyền thông số, FPT Online, VTC Online và nhiều DN tham gia hội thảo đều đề xuất cơ quan quản lý cần sớm ban hành nghị định quản lý trò chơi trực tuyến, cấp phép trở lại với game online để DN phát triển. Một ý kiến
rất đáng chú ý là của đại diện Vinagame cho rằng, dịch vụ game Việt Nam ra đời sau so với thế giới, do đó nên học tập theo mô hình quản lý ở nhiều nước đang áp dụng, trong đó có cả các quốc gia đạo Hồi - vốn rất đề cao chuẩn mực về đạo đức, đó là bỏ việc cấp phép thẩm định nội dung game mà quản lý theo chuẩn tự nguyện, tức là đề ra quy định cấm game ra thị trường có các nội dung nhạy cảm như chính trị, tôn giáo, bạo lực... giúp DN kinh doanh biết trước để không bỏ tiền nhập khẩu hoặc sản xuất. Thị trường trong nước hiện có hàng nghìn game tồn tại/năm, nhưng nếu chỉ cấp phép được 100 game thì đó là bất hợp lý, vì vậy cơ quan quản lý nhà nước nên đề ra các quy định cụ thể như kinh nghiệm của nước ngoài.

Cùng quan điểm này, đại diện các hiệp hội, DN cho rằng, về lâu dài Bộ nên nghiên cứu và áp dụng hình thức quản lý bỏ giấy phép mà đưa ra các quy định để DN kinh doanh game được và không được làm gì, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ này phát triển, đem lại lợi nhuận, việc làm cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý game online: Có nên bỏ cấp phép thẩm định?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.