Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý dịch vụ internet: Phải thay đổi phương pháp

Thế Dũng| 26/10/2011 06:58

(HNM) - Tại Hội nghị tổng kết Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và triển khai xây dựng nghị định mới về internet, do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày 25-10 tại TP Hồ Chí Minh, các đại biểu tham dự đều cho rằng, quản lý internet là lĩnh vực đang bộc lộ nhiều khoảng trống và chưa theo kịp tình hình thực tế, đặc biệt là quản lý trò chơi trực tuyến.

Nhiều lỗ hổng

Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, sau 3 năm triển khai Nghị định 97/2008/NĐ-CP, số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet được cấp phép đã lên tới gần 100 doanh nghiệp, tăng hơn 5 lần; băng thông quốc tế tăng 9 lần và băng thông trong nước tăng 8 lần… Các điểm truy cập internet công cộng dẫn đến tình trạng phát triển tràn lan, kèm theo đó là trò chơi trực tuyến (TCTT) phát triển nhanh, đặc biệt là các TCTT bạo lực, gây bức xúc trong xã hội. Không ít doanh nghiệp cung cấp TCTT đã thay đổi nội dung so với kịch bản được phê duyệt khi đưa ra thị trường.

Đáng lưu ý là với khoảng 30.000 đại lý cung cấp internet xâm nhập vào hầu khắp các địa bàn trên cả nước, việc kiểm soát người chơi TCTT bằng mệnh lệnh hành chính thông qua việc cấm mở cửa đại lý sau 22 hoặc 23 giờ là không khả thi. Nhiều doanh nghiệp đã tìm cách phát hành trò chơi ở nước ngoài, sử dụng máy chủ (server) nước ngoài để kinh doanh tại Việt Nam mà không có giấy phép, tạo môi trường bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.

Ông Phạm Quốc Bản (Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội) cho rằng, đại lý internet là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng việc cấp phép lại dễ như các lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện. Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cũng cho biết: "Phụ huynh học sinh, dư luận xã hội gần đây rất đồng tình với việc TP ra quân xử lý hơn 500 điểm truy cập internet gần cổng các trường học. Tuy nhiên, việc xử lý các sai phạm của đại lý internet, đặc biệt là kinh doanh TCTT thông qua giải pháp kỹ thuật, hạn chế giờ đối với người chơi đều thất bại nếu như không thay đổi cách quản lý".

Thay đổi ra sao?

TS Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng, thế giới "ảo" giờ quan trọng không kém thế giới "thật" nhưng quản lý lĩnh vực mới này đến nay hầu như đang phó mặc cho ngành TT-TT. Đặc biệt, trong quản lý kinh doanh TCTT đang có sự không thống nhất giữa các ngành, các địa phương, doanh nghiệp nên rất khó thực hiện.

Ông Phạm Quốc Bản cho rằng, muốn thay đổi cách quản lý dịch vụ internet trước hết phải thay đổi cách quản lý đại lý internet. Ngoài nội dung về cấp phép đăng ký kinh doanh thì cần bổ sung thêm các điều kiện: địa điểm kinh doanh đại lý internet trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề; tổng diện tích các phòng máy tối thiểu 50-80m2 và bố trí tối thiểu cho một máy tính là 1m2; giao cho chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cấp phép trên cơ sở thẩm tra, kiểm định chặt chẽ của phòng văn hóa thông tin vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện.

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cho rằng, đã đến lúc những nhà cung cấp dịch vụ TCTT nên ngồi lại với nhau, tổ chức riêng các khu vực chơi TCTT để cung cấp cho những ai yêu thích lĩnh vực giải trí này. Đại lý internet ra đời với nhiều mục đích, đặc biệt là phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin... nên biện pháp quản lý cứng nhắc sẽ phản tác dụng.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho biết, nhằm thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP, Bộ TT-TT đang tích cực soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp. Nghị định mới sẽ điều chỉnh nhiều vấn đề, gồm tài nguyên internet, mạng xã hội trực tuyến, trang thông tin điện tử, an toàn và an ninh thông tin... Riêng vấn đề kinh doanh đại lý internet sẽ được siết chặt, đặc biệt là với những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ TCTT. Cụ thể, tổng thời gian chơi của mỗi người sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp phát hành TCTT không quá 180 phút/ngày. Thống nhất thời gian ngừng cung cấp dịch vụ TCTT trên toàn quốc từ sau 23 giờ tới 8 giờ sáng hôm sau... Dự kiến, nghị định mới về quản lý internet sẽ được trình để Chính phủ xem xét trong tháng 12-2011.

Cần phải khẳng định rằng, dịch vụ internet là lĩnh vực đặc thù, mang lại nhiều lợi ích song cũng kèm theo nhiều hệ lụy khôn lường. Do vậy, quản lý dịch vụ internet không thể vì lợi ích của một bộ phận doanh nghiệp mà bỏ qua lợi ích của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý dịch vụ internet: Phải thay đổi phương pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.