Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ thương mại Mỹ, EU và Nga: "Cuộc chiến" chưa hạ nhiệt

Quỳnh Dương| 10/09/2016 06:58

(HNM) - Bất chấp “cuộc chiến” thương mại kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho các bên suốt hai năm qua, mới đây Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) quyết định duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine từ cuối năm 2013.

Theo giới chức ngoại giao Cựu lục địa, các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản từ phía EU, hết hạn ngày 15-9 tới, được kéo dài thêm 6 tháng nữa đối với khoảng 150 cá nhân và 37 thực thể từ Nga. Một số quan chức và chính trị gia Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt. Ngoài những đối tượng trên, các biện pháp cấm vận còn nhằm vào Almaz-Antey, nhà sản xuất các hệ thống phòng không của Nga và một số doanh nghiệp tại Crimea. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt nhằm vào những lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga tiếp tục được gia hạn đến ngày 31-1-2017. Quyết định này được đưa ra chỉ một tuần sau động thái tương tự của Mỹ, không nằm ngoài dự đoán khi cách đây ít ngày, các nhà lãnh đạo EU cho rằng điều khoản trong thỏa thuận 4 bên (EU, Nga, Ukraine, Belarus) ký hồi tháng 2-2015, tại Minsk, chưa được Mátxcơva thực thi đầy đủ.

Quyết định kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga của EU tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía.


Các phân tích gần đây chỉ ra rằng, nền kinh tế Nga gánh chịu nhiều thiệt hại hơn trong “cuộc chiến” trừng phạt chưa rõ hồi kết với phương Tây. Điều này thể hiện qua các chỉ số tài chính hai năm qua. Theo một nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế Constantine Kholodilin, các biện pháp trừng phạt "chịu trách nhiệm" khoảng 1/3 trong tổng số các nguyên nhân khiến kinh tế Nga suy thoái như hiện nay. Nếu không có các lệnh cấm vận, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể tăng trưởng 6,9% vào năm 2014 thay vì giảm 4,1% từ quý II-2014. Tính ra, nền kinh tế Nga đã thiệt hại trung bình 2% GDP mỗi quý trong hai năm qua.

Về phía EU, có thể đối với một số nền kinh tế lớn trong khối như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan... các biện pháp đáp trả từ Nga (chủ yếu đối với các sản phẩm nông nghiệp) ít có tác động nhưng đối với các nước vùng Baltic, thiệt hại là không nhỏ. Theo thống kê, xuất khẩu năm 2015 của Estonia giảm 22% so với năm 2013, Latvia giảm 25% và Lithuania giảm 33%; xuất khẩu của Phần Lan giảm 39% và Ba Lan giảm 2%. Các nước này đang gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường thay thế Nga. Đây là lý do khiến các thành viên EU ngày càng tỏ ra chia rẽ trong lập trường đối với xứ sở Bạch dương: Thời gian gần đây, Italia, Hy Lạp và Hungary liên tục đặt câu hỏi về sự cần thiết mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Nga (?). Mới đây, Hội đồng khu vực Lombardy, Italia, thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ yêu cầu EU hủy bỏ biện pháp trừng phạt chống Nga. Đây là khu vực thứ ba của Italia, sau Veneto và Liguria, phản đối những biện pháp cấm vận đối với Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka cũng đã lên tiếng yêu cầu Brussels bồi thường các nhà sản xuất của nước này bị tổn thương từ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Nga.

Trên thực tế, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là một nỗ lực của Mỹ và EU nhằm buộc Mátxcơva xem xét lại chính sách tại Ukraine và một số khu vực khác tại Châu Âu, Trung Đông. Tuy nhiên, những động thái của Điện Kremlin thời gian qua không có vẻ gì cho thấy nước Nga sẽ nhượng bộ. Trong bối cảnh tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, cả Nga và các nước phương Tây đều đưa ra cáo buộc lẫn nhau về những bước đi khiêu khích, phá vỡ cân bằng và vi phạm lợi ích của mỗi bên. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, căng thẳng Đông - Tây sẽ tiếp tục kéo dài, tạo ra những lo ngại đối với an ninh và sự ổn định toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ thương mại Mỹ, EU và Nga: "Cuộc chiến" chưa hạ nhiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.