(HNM) - Thông tin từ truyền thông quốc tế trong những ngày qua cho thấy, Nga đã chính thức chuyển các đầu đạn hạt nhân chiến thuật đầu tiên đến Belarus. Theo giới quan sát, dù các nước phương Tây phản hồi không quá gay gắt trước việc này nhưng rõ ràng độ "nóng" trong quan hệ Nga - phương Tây tiếp tục gia tăng.
Dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, truyền thông quốc tế cho biết, Mỹ chỉ trích quyết định của Nga và Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko vì cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng kho vũ khí hạt nhân tại Belarus, do đó chưa có ý định điều chỉnh “bản đồ” vũ khí của mình. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng chỉ nhận xét chung chung, coi động thái của Nga là “vô trách nhiệm” và không phản ứng bằng hành động.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF), Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã chuyển các đầu đạn hạt nhân chiến thuật đầu tiên đến Belarus, quốc gia láng giềng có hiệp ước phòng thủ với Nga. Theo nhà lãnh đạo nước Nga, bước đi mới là “câu trả lời” cho việc Anh chuyển đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo tới Ukraine, hành vi mà phía Nga đánh giá là tín hiệu cho thấy các thành viên NATO bắt đầu gửi vũ khí có "thành phần hạt nhân" tới Kiev.
Đây là lần đầu tiên Mátxcơva triển khai vũ khí hạt nhân ngoài lãnh thổ kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Theo Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, số vũ khí Nga bàn giao lần này có đầu đạn với sức phá hủy mạnh gấp ba lần bom hạt nhân Mỹ thả xuống hai thành phố Nhật Bản tháng 8-1945.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, khả năng tác chiến của vũ khí hạt nhân tại Minsk (Belarus) đã được bảo đảm thông qua sự hiện diện từ trước của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander (tầm bắn 500km) và 10 máy bay SU-25 cải tiến để có thể mang theo đầu đạn hạt nhân (tầm bay 1.000km). Điều này đồng nghĩa, độ phủ của số vũ khí hạt nhân này đạt khắp lãnh thổ Ukraine và hầu hết Đông Âu, thậm chí một phần của Đức, Đan Mạch…
Động thái của Nga dựa trên thỏa thuận về triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật mà nước này ký với Belarus hồi tháng 5-2023. Trong đó, Nga nắm quyền kiểm soát hoàn toàn vũ khí của mình, tức là giống như cơ chế mà Mỹ đang áp dụng với vũ khí hạt nhân của họ tại các căn cứ NATO trên khắp châu Âu. Chính phủ Nga lập luận, cách làm này tương tự những gì Mỹ đã làm nhiều thập kỷ qua: Lưu trữ một phần kho vũ khí hạt nhân ở các quốc gia phi hạt nhân. Bản thân Tổng thống Belarus cũng đã nhiều lần giải thích và yêu cầu Nga triển khai vũ khí hạt nhân để tăng cường an ninh cho Belarus trước sự mở rộng của NATO.
Có thể nói, bước đi mới của Nga nhằm hướng đến hai đích. Trước hết, đó là câu trả lời cứng rắn mà Điện Kremlin gửi tới phương Tây trong vấn đề vũ khí ở Ukraine. Thứ hai, việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus là thông điệp khẳng định, mô hình kiểm soát vũ khí hạt nhân thời hậu Chiến tranh Lạnh đã lung lay, đồng thời củng cố quan điểm của Nga trong việc rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) hồi tháng 2 vừa qua.
Động thái này cũng tạo thêm sức nặng cho quan điểm của Nga về lối thoát cho "bài toán khó" Ukraine. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin từng nhiều lần đề cập tới dự thảo hòa bình Nga và Ukraine, trong đó nhấn mạnh tới việc đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào Hiến pháp Ukraine, và Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus sẽ bảo đảm an ninh cho quốc gia này.
Như vậy, động thái của Nga tại Belarus vừa qua chủ yếu mang tính răn đe, nhưng cũng cho thấy tình hình đang trở nên “nóng” hơn. Việc "đụng tới" các loại vũ khí hạt nhân là điều nhân loại không mong muốn. Vì thế, các bên cần tăng cường đối thoại, tìm ra tiếng nói chung, giải quyết bất đồng bằng biện pháp ngoại giao để tránh những “sự cố” đáng tiếc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.