(HNM) - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh đình chỉ việc thực hiện thỏa thuận giữa Mátxcơva và Washington về loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí với lý do đưa ra là văn bản này không còn cần thiết cho mục đích quốc phòng và hợp tác liên quan.
Sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân đòi hỏi thế giới phải hợp tác trong kiểm soát loại vũ khí này. |
Quan điểm của Nga cho rằng, Mỹ đã không đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ tiêu hủy lượng plutonium rã ra từ các đầu đạn hạt nhân như cam kết giữa hai bên từ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Năm 2000, mỗi bên cam kết sẽ tiêu hủy 34 tấn plutonium thông qua việc đốt cháy bằng lò. Tiếp đó, năm 2010, Nga và Mỹ ký thêm một nghị định thư về đẩy mạnh tiêu hủy plutonium với mốc thực hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, những cam kết mới đang đứng trước bờ vực phá sản khi Washington quyết định tiêu hủy plutonium bằng cách trộn với các chất làm loãng đặc biệt, động thái được cho là để giảm chi phí nhưng lại bị Nga coi vi phạm thỏa thuận mà hai bên đạt được. Theo Mátxcơva, cam kết của hai bên là yêu cầu sử dụng lò phản ứng hạt nhân để chuyển hóa plutonium chứ không phải là công nghệ pha trộn. Quy trình này sẽ cho phép plutonium được trích xuất và tái sử dụng trong các loại vũ khí hạt nhân khi cần thiết. Mỹ đã lên tiếng phản đối những cáo buộc của Nga và cho rằng phương thức của họ không hề vi phạm các thỏa thuận.
Lý giải cho bước đi mới này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Mátxcơva luôn coi thỏa thuận tiêu hủy plutonium là bước tiến quan trọng hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm qua, Mỹ đã xây dựng lực lượng quân sự và hạ tầng của khối NATO áp sát biên giới Nga, trong khi nước này và các đồng minh công khai thảo luận về các giải pháp kiềm chế Mátxcơva. Cách đây vài ngày, trong bài phát biểu trước các binh sĩ tại căn cứ không quân Minot ở bang South Dakota, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, Lầu Năm Góc sẽ chi 108 triệu USD trong vòng 5 năm tới để nâng cấp bộ ba vũ khí hạt nhân là các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược có trang bị vũ khí hạt nhân. Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Mỹ còn tuyên bố, NATO đang biên soạn lại chiến lược nguyên tử để đối phó với những vụ tấn công hạt nhân từ Nga. Ngay lập tức, Mátxcơva bày tỏ “quan ngại sâu sắc về việc Mỹ và NATO sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang”.
Sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân khiến nhân loại phải khiếp sợ và là nguyên nhân dẫn tới việc hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ tiến tới đồng thuận kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm này. Sự hợp tác Nga - Mỹ trong lĩnh vực này mang tính biểu tượng cao và phản ánh xu hướng hòa hoãn trên thế giới. Vì vậy, sự kiện Mátxcơva tuyên bố chấm dứt thỏa thuận về plutonium với Washington gây ra những quan ngại về sự tụt dốc trong các cam kết quản lý vũ khí hạt nhân, đồng thời phản ánh sự leo thang của mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.
Dù vậy, quyết sách của Nga là “một tín hiệu mới nhất gửi tới Washington” rằng, Mátxcơva không dễ bị áp đặt trong tình trạng phải chứng kiến các động thái sử dụng vũ lực, hứng chịu các lệnh cấm vận, tối hậu thư hay chọn lựa chỉ hợp tác với Nga trong các lĩnh vực có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống V.Putin cũng để ngỏ các điều kiện để khôi phục thỏa thuận, trong đó bao gồm cả việc Mỹ phải giảm sự hiện diện của quân đội và hạ tầng tại các quốc gia khối NATO, dỡ bỏ toàn bộ các lệnh cấm áp đặt lên Nga và bồi thường thiệt hại vì chính sách cô lập gây ra. Tất nhiên, Mỹ không dễ dàng nhượng bộ yêu cầu từ Nga nhưng sự kiên quyết của Điện Kremlin cho thấy chính quyền của Tổng thống V.Putin sẵn sàng đưa vấn đề giải trừ hạt nhân làm "con bài mặc cả" trong các bất đồng với Mỹ, kể cả với vấn đề Ukraine và Syria.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.