Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Dấu hiệu mâu thuẫn trầm trọng hơn

Quỳnh Dương| 31/05/2022 07:03

(HNM) - Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu gia tăng liên quan tới việc Ankara lập kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria để tạo ra “vành đai an toàn" dài 30km dọc theo biên giới. Trong khi nhiều vấn đề bất đồng trước đây vẫn chưa được giải quyết thì sự việc trên có thể tiếp tục khoét sâu hơn mâu thuẫn giữa 2 nước đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.

Ngày 30-5, theo Hãng tin AP, trong một động thái mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, không cần Mỹ cho phép khi nước này mở đợt tấn công mới ở Syria. Tuyên bố được đưa ra bất chấp cảnh báo trước đó từ Washington cho rằng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đe dọa lính Mỹ đang tham gia chiến dịch chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở khu vực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi Ankara tuân theo Tuyên bố chung tháng 10-2019, trong đó có nội dung ngừng tiến công ở Đông Bắc Syria.

Trong kế hoạch được Tổng thống R.Erdogan thông báo, chiến dịch quân sự mới sẽ sớm khởi động. Ankara lập luận rằng, lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria, được gọi là Lực lược phòng vệ nhân dân người Kurd (YPG), có thể tấn công Thổ Nhĩ Kỳ hoặc chuyển giao vũ khí cho Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã phát động cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc tạo ra một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria sẽ cho phép những người tị nạn trở về quê hương. Hiện có khoảng 3,7 triệu người tị nạn Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra áp lực xã hội trong nước đối với ông R.Erdogan. Bên cạnh đó, căng thẳng gần đây đã leo thang giữa người tị nạn và người dân địa phương có nguy cơ gây ảnh hưởng tới uy tín đảng cầm quyền trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới.

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi kể từ năm 2016 sau thời điểm giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen tiến hành cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống R.Erdogan bất thành. Ankara đã cáo buộc Washington hậu thuẫn mạng lưới của giáo sĩ F.Gulen và không hợp tác để dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử. Sau vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng xích lại với Nga, đồng thời ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Mátxcơva. Để đáp lại, Washington ban bố một loạt lệnh trừng phạt chống lại Ankara vì hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 theo đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đây là lần đầu tiên đạo luật này được sử dụng chống lại một thành viên trong liên minh NATO. Mới đây, Tổng thống R.Erdogan lại khiến Mỹ và các đồng minh thất vọng khi phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Lý do Ankara đưa ra là Helsinki và Stockholm "không có lập trường rõ ràng dứt khoát" chống lại PKK.

Trên thực tế, những năm gần đây, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không nằm trong chính sách ưu tiên của nhau như trước đây. Bản hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi lên nắm quyền đầu năm 2021 cho thấy, ưu tiên giải quyết các vấn đề đối nội, triển khai cách tiếp cận mới với Trung Quốc, củng cố mạng lưới đồng minh đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu. Ngay cả khi đề cập về khu vực trong văn bản trên, Washington dành nhiều kỳ vọng cho quan hệ với Israel hơn là Thổ Nhĩ Kỳ. Ở chiều ngược lại, Ankara dường như cũng đang chuẩn bị cho một tương lai vắng Mỹ khi đưa Nga trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu. Về chính trị, Mátxcơva và Ankara duy trì hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là Syria và Libya.

Theo các nhà bình luận, căng thẳng liên quan tới chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria có khả năng sẽ thúc đẩy Mỹ áp dụng các hình phạt tài chính đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này tiếp tục khiến quan hệ giữa hai nước có khả năng ngày càng trở nên lạnh nhạt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Dấu hiệu mâu thuẫn trầm trọng hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.