Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ: “Già néo” nhưng không “đứt dây”

Hoàng Linh| 07/03/2017 06:18

(HNM) - Trong những ngày đầu tháng 3, thế giới liên tiếp chứng kiến những bất ổn trong mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự leo thang căng thẳng khiến giới quan sát cho rằng hai bên đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử quan hệ song phương.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel (bên trái).


Thực tế, quan hệ giữa hai quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã rơi vào tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" kể từ sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hồi tháng 7 năm ngoái. Một lượng lớn các nhà ngoại giao và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại Đức ngay sau vụ việc cũng góp phần làm căng thẳng gia tăng. Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng ở đó, tiếp lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu chỉ trích Berlin về "thái độ trịch thượng" trong cách ứng xử với Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 5-3 đã cáo buộc Đức có những "hành động như chế độ phát xít" khi quyết định hủy bỏ các cuộc mít tinh lớn tại các thành phố Gaggenau, Cologne và Frechen với tổng số khoảng 1,5 triệu người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.

Phát ngôn trên ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các chính trị gia Đức. Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cùng ngày cho rằng ý kiến của ông R.Erdogan là hết sức vô lý và mang tính kích động, trong khi đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) yêu cầu Ankara phải xin lỗi. Trong khi chính quyền Đức cho biết việc ngăn cản cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức 2 cuộc tuần hành tại các thành phố lớn là vì lý do an ninh, giới phân tích cho rằng ông R.Erdogan mong muốn sự kiện trên được diễn ra với quy mô càng lớn càng tốt nhằm gia tăng sự ủng hộ của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trong và ngoài nước trước cuộc trưng cầu ý dân mang tính bước ngoặt liên quan đến quyền lực chính trị của ông sẽ diễn ra vào tháng tới.

Trước đó, nhà lãnh đạo quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu còn cáo buộc Đức hậu thuẫn và chứa chấp khủng bố. Ông R.Erdogan khẳng định nhà báo 43 tuổi mang hai quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ Deniz Yucel (đang làm việc cho tờ Die Welt của Đức) bị bắt ngày 27-2 là một gián điệp người Đức và là thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara coi là khủng bố. Trước quan điểm của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đó là quyết định "đáng thất vọng" và 166 nghị sĩ Hạ viện Đức đã ký thư ngỏ kêu gọi trả tự do cho nhà báo Yucel.

Ngoài những khúc mắc với chính quyền Đức, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trong trạng thái thất vọng đối với cam kết của Liên minh Châu Âu (EU) trong việc cho nước này gia nhập khối. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, tiến trình này vẫn giậm chân tại chỗ khi EU cáo buộc Ankara đã có những hành động trấn áp không phù hợp với các tiêu chuẩn của liên minh liên quan đến cuộc đảo chính hồi giữa tháng 7 năm ngoái.

Dù những mâu thuẫn đang ngày càng tăng, nhưng một điều chắc chắn rằng cả Đức, EU lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn rơi vào tình trạng “già néo đứt dây”. Điều này có thể thấy rõ qua việc người đứng đầu giới tư pháp Đức dù bày tỏ thái độ bất bình trước phát ngôn của ông R.Erdogan nhưng cũng khẳng định không nên cấm vị tổng thống cứng rắn thăm Đức hoặc phá vỡ quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh nguy cơ đẩy nước này về phía Nga.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng bất chấp những bất đồng, hòa giải là mục tiêu mà cả hai bên đều mong muốn. Trong bối cảnh đó, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu và người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel vào ngày 8-3 sẽ là dấu mốc quan trọng cho quan hệ song phương. Một tín hiệu khả quan đối với nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung cũng đã xuất hiện khi người đứng đầu ngành Ngoại giao Đức khẳng định Berlin sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì đối thoại với Ankara.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ: “Già néo” nhưng không “đứt dây”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.