(HNM) - Trong hai ngày 10 và 11-3, người dân sống trên quần đảo mà người Anh gọi là Falklands còn Argentina đặt tên là Malvinas đã tham gia cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của quần đảo đang tranh chấp này.
Người dân quần đảo Falklands/Malvinas bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 10-3. |
Bộ Ngoại giao Argentina đã ra tuyên bố phản đối cuộc trưng cầu ý dân và không công nhận kết quả. Argentina luôn coi việc nước Anh xâm chiếm quần đảo là hành động cưỡng đoạt của thực dân. Do đó, giành lại chủ quyền với quần đảo Falklands/Malvinas luôn là điểm mấu chốt trong chính sách ngoại giao của Argentina trên các diễn đàn song phương và đa phương. Mặc dù, Liên hợp quốc (LHQ) đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp trong hòa bình, nhưng Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo Falklands/Malvinas và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện rõ mong muốn của họ. Kết quả bỏ phiếu được công bố vào hôm nay (12-3), nhưng, theo khảo sát của xứ sở Sương mù trước thềm cuộc trưng cầu, phần lớn người dân đều muốn quần đảo thuộc về nước Anh (do 90% trong số hơn 3.000 dân sống tại quần đảo mang dòng máu Anh). Chắc chắn rằng, kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa diễn ra sẽ đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Đại Tây Dương vào vùng sóng gió mới.
Quần đảo Falklands/Malvinas bị quân đội Anh chiếm đóng từ năm 1833. Năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ được quần đảo này trong 74 ngày, sau đó lại bị đánh bại. Hơn 30 năm qua, cuộc xung đột giữa hai nước liên quan đến quần đảo tranh chấp ngày càng trở nên căng thẳng.
Năm 2010, London cho phép các công ty thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển tranh chấp này. Thật ra, từ năm 1998, giới nghiên cứu đã xác định vùng nước quanh quần đảo có trữ lượng dầu lớn. Thời điểm ấy, giá dầu thô còn thấp nên các nhà đầu tư chưa mấy quan tâm. Nhưng, cơn sốt dầu trong những năm gần đây đã khiến vùng biển quanh Falkland/Malvinas trở thành "mỏ vàng". Với diện tích vùng biển có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, Falklands/Malvinas được các chuyên gia đánh giá có trữ lượng lên đến 60 triệu thùng dầu. Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá và cảng biển, những giếng dầu đầy hứa hẹn trong vùng lãnh hải của quần đảo được xem là nhân tố không thể bỏ qua giúp phát triển kinh tế ở Falkland/Malvinas và nước Anh. Bên cạnh đó, vị trí địa - chiến lược của quần đảo gần với khu vực phía nam của Nam Mỹ và Nam Cực sẽ là bàn đạp lý tưởng cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với riêng nước Anh, vị trí này có vai trò quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng "Sương mù" ở Nam Mỹ. Trong khi đó, kinh tế trì trệ đã tạo thêm động lực thúc đẩy Argentina giành quyền khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên được phát hiện với trữ lượng dồi dào ở các vùng biển và đáy biển liền kề Falklands/Malvinas. Một loạt phát hiện gần đây ở khu vực "Sư tử biển" cách 128km về phía bắc Falklands/Malvinas đã thúc đẩy "cơn sốt vàng đen" ở Nam Đại Tây Dương. Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner đã lên tiếng trách cứ London làm kiệt quệ nguồn tài nguyên của Argentina và tuyên bố sẽ "lấy lại những hòn đảo".
Quan hệ Anh - Argentina đang tăng nhiệt vì quần đảo tranh chấp. Nhiều dự đoán cho rằng, có thể nổ ra một cuộc chiến mới khốc liệt hơn năm 1982 giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh các đại dương đều đang dậy sóng, mọi đường giao thông hàng hải đang "nóng" lên thì Falklands/Malvinas càng trở thành cứ điểm xung yếu mà cả Anh lẫn Argentina đều muốn sở hữu. Xung đột Anh - Argentina trên quần đảo Falklands/Malvinas đang cảnh báo xu hướng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia trên thế giới chưa có lối thoát, đặc biệt khi biển đảo trở thành "con tin" của các tham vọng chính trị và kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.