(HNMO) - Ngày 5-5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.
Tại đây, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố đã tiến hành kiểm tra tại siêu thị Mega Market (đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm).
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện siêu thị đã xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng chưa xuất trình được hóa đơn nhập một số loại thực phẩm như: Bánh, nước hoa quả…
Bên cạnh đó, kiểm tra trên thực tế cho thấy, mặt bằng siêu thị rộng rãi, thoáng mát, các mặt hàng được bày bán riêng biệt, ngăn nắp, có các biển chỉ dẫn... Tuy nhiên, đại diện đoàn kiểm tra số 1 cũng lưu ý, khu vực sơ chế thịt cần được sắp xếp gọn gàng, vệ sinh thường xuyên hơn, đặc biệt là các loại dụng cụ, trang thiết bị như: Cối xay thịt, bàn sơ chế, kho lạnh bảo quản thực phẩm… cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm chéo. Mặt khác, siêu thị cần sắp xếp khu bán thịt tươi sống cách xa khu vực bày bán thực phẩm bao gói, hóa mỹ phẩm...
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu siêu thị khắc phục ngay các tồn tại nêu trên, đồng thời, giao cho đoàn kiểm tra của quận tiến hành hậu kiểm.
Ngay sau buổi kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố đã làm việc với UBND quận Bắc Từ Liêm.
Theo báo cáo của UBND quận, toàn quận có 4.317 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), toàn quận đã thành lập 16 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đến nay, quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 367 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 cơ sở với số tiền 165,5 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy 30 lít rượu trắng, 229.8kg thực phẩm (gồm: Kê gà, tràng trứng gà, nầm lợn, cánh gà, dạ dày lợn, tim lợn, tràng lợn), 201 sản phẩm thực phẩm (bánh gạo, rong biển ăn liền, hạt hướng dương, kẹo, bánh bông lan, bột trà xanh, nước sữa chua) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm tra thực tế, các đoàn kiểm tra của quận cũng gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ, thường xuyên biến động. Thêm vào đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường và thời gian, địa điểm tập kết hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, cơ quan chức năng của thành phố sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến quận, huyện; xã, phường, trong đó tập trung nâng cao kỹ năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
“Quận Bắc Từ Liêm cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt rà soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học, cơ quan, xí nghiệp, chợ đầu mối, thực phẩm được bán online…”, ông Vũ Cao Cương đề nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.