(HNM) - Nếu chỉ nhìn hình dáng bên ngoài, chẳng ai biết rằng người đàn ông đã quá tuổi sáu mươi với cái vẻ bùi bụi, "bô nhếch" ấy mà lại là "tỷ phú kỳ thạch". Ông là Lê Mạnh Tuấn, người đã dành hơn 30 năm sưu tầm kỳ thạch và đến giờ gia tài đã có gần vạn mẫu đá quý. Nhiều người gọi ông là "quái thạch" Hà thành.
Tôi gặp ông lần đầu cách nay đã hơn một năm, đúng dịp Thành cổ Hà Nội chuẩn bị đợt trưng bày "Hội xuân Thăng Long" mừng Tết Kỷ Sửu. Lần ấy, ông góp cho Hội xuân 3 gian trưng bày kỳ thạch, gỗ lũa - thú chơi tao nhã rất đỗi công phu của người Hà Nội.
Ông Lê Mạnh Tuấn giới thiệu kỳ thạch. Ảnh: Đàm Duy |
Lúc ấy, Lê Mạnh Tuấn đang cùng vợ và cộng sự tất tả lau chùi, bày biện từng miếng kỳ thạch mà ông nâng niu như những đứa con của mình. Bận rộn, vội vã là vậy nhưng khi hỏi về việc sưu tập và đặc biệt là ý nghĩa của những viên đá, ông say sưa không hết chuyện. Này là viên kỳ thạch có niên đại cách đây đã 2.000 năm, "săn mãi, lùng mãi, vào tít tận miền Nam mới có được nó". Này là viên đá khiến Lê Mạnh Tuấn mất toi cả tháng kiếm tìm. Này là viên đá mà vợ chồng ông ngẫu nhiên tìm thấy bên vệ đường, "phải choáng váng vì nó mang một thông điệp đẹp"... Ngày đó, vợ chồng ông Tuấn đã có hơn 7.000 mẫu đá quý, được cất ở "tư trang" tận bên Lương Sơn, Hòa Bình.
Lần thứ hai tôi gặp ông là lúc Thủ đô tưng bừng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Cũng như những lần trước, hễ Thủ đô mở hội là ông Tuấn lại vinh dự có được gian trưng bày kỳ thạch, gỗ lũa tại Thành cổ Hà Nội. Cứ tưởng rằng công việc trưng bày thì lần nào cũng vậy, nhưng với người đàn ông vốn kỹ lưỡng, tỉ mẩn và có một tình yêu đặc biệt đối với đá thì mỗi lần đem những "đứa con cưng" ra trước khách xem là một lần ông huy động cả đội ngũ trợ giúp, trong đó không thể thiếu được người vợ tảo tần có cùng niềm đam mê như mình. Hà Nội kỷ niệm 999 năm, kỹ sư Lê Mạnh Tuấn mới chỉ chọn "khoe" 600 mẫu kỳ thạch, chứ chưa tung hết thức quý. Ông tiết lộ niềm riêng, rất chân thành: "Tôi còn rất nhiều mẫu kỳ thạch độc đáo, nhưng muốn để dành cho dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày đó, có thể sẽ có cả nghìn mẫu đá quý được chọn trưng bày".
Phải hiểu thông điệp của đá
Thỉnh thoảng tôi mới gặp lại Lê Mạnh Tuấn, nhưng hễ gặp là không dễ dứt ra được. Người quen bảo ông trẻ hơn tuổi nhiều, nhưng cách nói chuyện thì lại "tố" tuổi thật của ông, một người luôn hăng say nói về đá khi có dịp, như thể đó đã là phần ruột thịt của ông.
Tác phẩm “Cội nguồn”. |
Người chơi đá kỹ như Lê Mạnh Tuấn dường như có nguyên tắc tiếp chuyện riêng thì phải, nghĩa là chỉ dốc bầu tâm sự với những ai thật sự có thái độ trân trọng đối với đá. Ông bảo tôi, có lần một "đại gia" tìm đến "sơn trang" của ông ở Lương Sơn, hỏi mua một viên đá quý trong bộ sưu tập mà người mê đá chỉ nhìn "đã hoa cả mắt". Người đàn ông thích khoe sự giàu có, giọng trịch thượng, thế nào lại vô ý giẫm chân lên một viên đá ông Tuấn đặt ở lối vào. Thế là, chẳng nể nang gì, Lê Mạnh Tuấn tìm mọi cách mời vị khách "thích đá nhưng chẳng hiểu một điều sơ đẳng rằng, đá cũng như người, cần sự tôn trọng" ra khỏi nhà mình. Lại có lần ông Tuấn tiếp chuyện một sinh viên. Anh chàng lóng ngóng, như thể hoang mang trước khối "gia sản đá" khổng lồ của "quái thạch" Hà thành, rồi cứ tần ngần mãi trước một viên đá xếp ở vị trí khiêm tốn trong gian trưng bày. Ông Tuấn hỏi, cậu chàng giải thích rằng, nhìn viên đá bỗng thấy hình ảnh của ông nội đã mất của mình. Chẳng biết nguồn cơn thế nào mà chàng sinh viên nhìn đá nhớ người, chỉ biết là nghệ nhân Lê Mạnh Tuấn chẳng chút đắn đo tặng ngay cậu viên đá đó.
Trong thú chơi vương giả của người xưa, có ba thứ được xếp vào hàng sang trọng và lắm công phu, đó là "kỳ thư, dị mộc, quái thạch". Biết vậy, nhưng cũng chẳng phải ai cũng hiểu được hết cái nghĩa sâu xa của những thú chơi tao nhã, tốn công của lại đòi hỏi vốn hiểu biết sâu sắc này. Hiểu nôm na, thì "kỳ thư" là chữ viết của bậc văn tài kiệt xuất xưa, "dị mộc" là những loại cây lạ, quý. Còn "quái thạch", nếu suy diễn thô giản thì đó là những viên đá dị thường. Với Lê Mạnh Tuấn, "quái thạch" mà chỉ có sự dị thường, khác lạ thôi thì chưa đủ, mà còn phải có "đạo" riêng, bởi vậy mà người đời mới có câu "thạch đạo". Ông Tuấn nói: "Mỗi viên đá mang một thông điệp và ngôn ngữ riêng mà chỉ người thật sự tâm huyết, say mê với đá mới có thể đọc được". Theo suy nghĩa của ông Tuấn, "đạo của đá" cũng mang triết lý sâu xa, cả những điều có trong đạo Phật, triết lý Khổng - Mạnh. "Đá cũng như người vậy. Người nào có tâm và thật sự yêu mến vẻ đẹp của đá thì sẽ phát hiện ra nhiều thông điệp mà đá muốn nói với mình. Thông điệp đó chính là đạo lý ở đời. Hiểu rồi thì thấy tuyệt lắm, tâm sáng lạ thường", ông tâm sự.
Trong thâm tâm người đàn ông "ăn với đá, ngủ với đá" này luôn tâm niệm đời người thì ngắn, cuộc đời của đá thì dài. Có những viên đá trường tồn hàng nghìn năm, chứng kiến bao cuộc đổi thay, sự xoay vần của tạo hóa, của lịch sử. Vì thế, con người cần phải biết trân trọng và có thái độ ứng xử cho đúng với đá. Điều đó lý giải vì sao ông Tuấn luôn đặt những viên đá ở những vị trí trang trọng nhất trong nhà và có những viên đá được ông coi như tri kỷ. Mê mải thế, có lần bạn bè đến chơi thấy ông vừa lau chùi, vừa lẩm bẩm trước đá có người đã lắc đầu bảo ông "hâm hết thuốc chữa".
Nói về thú chơi đá ngày nay, ông Tuấn phân tích: “Giờ có nhiều người cũng chuyển sang chơi đá, một phần vì những viên đá quý hiếm giúp gia chủ mở mày mở mặt với khách, một phần vì đá để trong nhà còn mang ý nghĩa phong thủy, chấn sự xấu vào nhà. Có điều, để có sự hiểu biết tường tận về đá thì không phải ai cũng dám bỏ ra công sức tìm hiểu và có ứng xử đúng với đá. Nếu chỉ bỏ tiền ra mua mà chưa lần nào cất công đi tìm thì chưa phải là người chơi đá đích thực”.
"Ở ẩn" chơi đá
Lê Mạnh Tuấn người Hà Nội gốc, lấy vợ cũng là người Hà Nội nhưng chẳng hiểu thế nào hơn nửa đời thì hai vợ chồng ông lại mò lên Lương Sơn - Hòa Bình tìm mua đất, những mong tìm sự thanh bình. Hỏi ông về cái sự tưởng chừng ngược đời ấy, Lê Mạnh Tuấn chỉ cười: "Tại đá cả thôi!".
Vốn là một chàng sinh viên ngành vật lý, rồi chuyển ngoéo sang địa chất, sau đó lại học mỹ thuật công nghiệp, chẳng rõ kỹ sư Lê Mạnh Tuấn bị đá mê hoặc lúc nào không hay. Rồi không chỉ mình ông, mà cả người vợ cũng có niềm đam mê lặn lội tìm đá. Thế nên mới có chuyện nhà có việc đại sự cần phải huy động tiền, ông Tuấn lại tha cả gia tài của gia đình đi tìm đá. Bà vợ biết chuyện mà chẳng trách một câu. Có bận, nghe nói ở vùng cao có miếng kỳ thạch lạ lắm, ngay trong đêm đó hai vợ chồng khoác ba lô lên đường. Đi tìm đá như đi câu, vậy mà lọ mọ cả chồng lẫn vợ, thế mới lạ!
Chơi đá thì phải kỳ công. Muốn có được đá quý thì phải đi tìm. Trong hơn 30 năm sưu tập kỳ thạch, Lê Mạnh Tuấn và vợ đã lặn lội gần hết các tỉnh, thành. Lần đi may mắn thì mang về nhà được cả bao nặng, cũng có lần về tay không. Dù có xuất xứ khác nhau và được tìm thấy ở những vùng, miền khác nhau, nhưng mỗi viên đá trong bộ sưu tập của ông Tuấn mang ý nghĩa riêng. Khi thì hình mãnh sư trong rừng, lúc lại hình mẹ bồng con, hay hình ông lão ngồi câu cá, có tấm đá lại gợi hình đôi nam nữ…
Ông Tuấn bảo tôi: "Người chơi đá hết lòng thì không quan niệm kỳ thạch thì cứ phải là khối đá quý như thạch anh, ngọc bội… mà có thể là viên đá bình thường nằm ở ven đường, bụi cây. Giá trị của kỳ thạch không lệ thuộc vào số tiền mà ta bỏ ra để có nó, mà là ở hình hài và thông điệp mà ta cảm nhận được từ chúng"... Nói rồi, ông dẫn tôi tới gần một viên đá được đặt trang trọng trong tủ kính. Chỉ vào viên đá nhẵn bóng im lìm trên kệ, ông nói: "Đây là viên đá tôi nhặt được ở rìa suối, trong một lần đi điền dã. Ngay lúc nhặt nó lên tôi đã nhận ra đây là viên đá đẹp, mang hình bầu sữa mẹ. Tôi đã nâng niu, gói bọc cẩn thận trong ba lô và mang về Hà Nội. Ngày đó, bạn bè đi cùng bảo ông hâm, kẻ "ôm rơm nặng bụng", ai lại quan tâm tới một viên đá vớ vẩn ngoài đường. Ai ngờ, khi đã được lau sạch bong và đặt ở vị trí gợi liên tưởng, "viên đá dại" bỗng trở nên vô cùng đáng giá".
Hiện giờ, ngay cả ông Tuấn có lẽ cũng khó biết chính xác mình có tất cả bao nhiêu viên đá, chỉ có thể ước chừng gần vạn viên. Có những viên thoạt nhìn là thấy ngay tác phẩm giá trị thực sự, cả khối ngọc xanh khổng lồ, hay cả khối thạch anh lớn. Cũng có những tác phẩm là gỗ hóa thạch có từ cách đây vài nghìn năm, lại có cả những viên đá cuội nhỏ nhắn. Có cả một gia tài khổng lồ nhưng "tỷ phú đá" vẫn kêu nghèo, bởi bao của nả có được rồi cũng lại mang đi tìm đá. Đã chót yêu thương đá, vợ chồng ông hạnh phúc với cuộc sống đó.
Bây giờ, ấp ủ lớn nhất của "quái thạch" Hà thành là chuẩn bị bộ sưu tập 1000 viên đá quý để dựng triển lãm vào đúng dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Sau đó, ông sẽ mở bảo tàng đá cho riêng mình và thực hiện ước mơ viết một cuốn sách nghiên cứu mang tên "Kỳ thạch Việt Nam". Những công việc này, Lê Mạnh Tuấn đã lên kế hoạch từ vài năm nay và đang dồn hết tâm sức để ý tưởng thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.