Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá tải tại các cơ sở đào tạo lái xe vì “né” Thông tư 38

Tuấn Lương| 03/03/2020 18:15

(HNMO) - Không có chuyện tăng giá phi lý lên nhiều lần và cũng không thể xảy ra việc các trung tâm “bắt tay” nhau nâng mức học phí là thông tin được các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe khẳng định. Tới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cùng các địa phương tiến hành kiểm tra đột xuất, các cơ sở tăng phí không đúng quy định sẽ bị xử lý...

Quá tải học viên

Từ đầu tháng 2-2020 trở lại đây, hầu hết các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn Thủ đô và các địa phương lân cận đều lâm vào tình trạng quá tải. Nếu như vào các giai đoạn trước, trung bình mỗi tháng, Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe thành phố Hà Nội (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn) đào tạo và tổ chức sát hạch cho khoảng 100 học viên thì vào thời điểm này, lượng học viên gấp đôi.

Đông người đến nộp hồ sơ và người đến tập lái cũng là tình trạng xảy ra tại Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (quận Long Biên) và Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) – nơi thu hút rất đông học viên từ Hà Nội sang.

Trực tiếp đưa vợ sang tập lái tại Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2, anh Phạm Văn Dũng (khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi nghe nói là từ tháng 5-2020, việc học lái xe sẽ rất khó khăn và mức học phí tăng lên nhiều lần, thậm chí tới 30 triệu đồng/khóa nên khẩn trương cho vợ đi học. Tuy nhiên, tôi thấy mức học phí vẫn chấp nhận được, chứ không cao như đồn thổi”.

Khảo sát tại Trung tâm Đào tạo lái xe Lạc Hồng (quận Tây Hồ) cho thấy, để tốt nghiệp một khóa học B2 cần tối thiểu 7-8 triệu đồng, khóa học B1 và C cần khoảng trên 10 triệu đồng. Còn tại Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô, mức học phí cũng không chênh lệch đáng kể, tuy nhiên, trung tâm này đã “khóa sổ” tiếp nhận học viên cho tới hết tháng 6-2020 vì quá đông.

Tại Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe thành phố Hà Nội, mức học phí vẫn giữ nguyên so với trước đây. Phí hai khóa học thu hút nhiều học viên nhất là B1 và B2 vẫn giữ ổn định lần lượt ở mức 7 triệu đồng/khóa và 8,5 triệu đồng/khóa. Tại trung tâm này, vào các giai đoạn trước, học viên đến đăng ký là có thể xếp lớp ngay, nhưng thời điểm này phải chờ 3-4 tháng mới đến lượt.

Chỉ ra nguyên nhân lưu lượng học viên tăng đột biến, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho biết, Thông tư 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (ban hành ngày 8-10-2019) có sự thay đổi, siết chặt việc học tập trung, như quy định từ ngày 1-5-2020, điểm danh học viên học môn pháp luật giao thông đường bộ; từ tháng 1-2021, điểm danh về thời gian lái xe thực hành... Do nhiều học viên muốn “né” điểm danh nên đăng ký học trước thời điểm trên, khiến nhu cầu học lái xe tăng vọt.

Sẽ xử lý nghiêm cơ sở tăng giá không đúng quy định

Có hay không việc các trung tâm lợi dụng tâm lý người dân tranh thủ đi học nhằm đối phó với Thông tư 38/2019/TT-BGTVT để “bắt tay” nhau tăng học phí? Về vấn đề này, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng, mức giá mà trung tâm đang thu là phù hợp với giá trị thực. Mỗi trung tâm đào tạo có mức giá đào tạo khác nhau để cạnh tranh, nhưng không thể “bắt tay” tăng giá bởi việc đào tạo, sát hạch lái xe được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Các thông tin tuyển học viên được công khai, học viên tham khảo chất lượng, thương hiệu của cơ sở đào tạo để tự đăng ký mà không cần qua trung gian.

Khẳng định không có việc tăng học phí một cách vô lý, ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe thành phố Hà Nội khuyến cáo: “Người dân khi có nhu cầu thực sự hãy đi học, đừng nghe những lời đồn thổi vô căn cứ, vừa mất thời gian chờ đợi, lại có thể bị các đối tượng “cò mồi” lừa mất thêm tiền”.  

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống, hoàn toàn không có chuyện học phí tăng lên 30 triệu đồng/khóa học. Việc xuất hiện thông tin tăng học phí chỉ là chiêu trò đồn thổi để dụ dỗ người học trước khi một số điểm mới tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT có hiệu lực.

Học phí đào tạo lái xe mà các cơ sở đang thực hiện được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải (ban hành ngày 27-5-2011). Khi xây dựng mức thu học phí, các cơ sở đào tạo phải căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên và định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành..., đồng thời phải báo cáo cơ quan quản lý để theo dõi. Các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị, phải công khai mức phí cho người học biết trước. Các cơ sở tăng mức phí không phù hợp sẽ bị các cơ quan quản lý kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quá tải tại các cơ sở đào tạo lái xe vì “né” Thông tư 38

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.