Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá khứ đáng trân trọng nhưng phải phát triển

Thi Thi| 08/05/2016 07:05

(HNM) - Rục rịch từ nhiều năm nay, nhưng 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh hiện vẫn đang

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Hòa Nguyễn


Cổ phần hóa các hãng phim thực sự là bài toán khó, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Có thể nói quá khứ là rất đáng trân trọng nhưng phải phát triển mới có thể tiếp nối truyền thống.

Cổ phần hơn là... chết!


Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam đã khẳng định như vậy, dù chính ông cũng ngậm ngùi trước tình thế mới. Hiện tại, Hãng phim truyện Việt Nam đang ôm khoản nợ 90 tỷ đồng. Các nghệ sĩ không được nhận đủ lương và điều quan trọng, dưới ngôi nhà số 4 Thụy Khuê, từng vang bóng một thời ấy, họ không có nhiều cơ hội làm phim. 6 năm qua, hãng chỉ sản xuất 3 bộ phim theo đặt hàng của Nhà nước.

Cổ phần đã được xem như con đường tất yếu để phát triển, song quá trình cổ phần đang diễn ra khá chật vật. Theo Bộ VH,TT&DL, việc cổ phần hóa 5 doanh nghiệp điện ảnh diễn ra thận trọng và chậm hơn nhiều so với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp khác trong ngành. Trừ Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương không cổ phần hóa, trở thành Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước do tính chất đặc biệt quan trọng của công việc. Các hãng phim khác đều phải thực hiện cổ phần hóa nhưng Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đều không tìm được nhà đầu tư chiến lược. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Hãng phim truyện I khi chuyển đổi, lúc đầu nhà nước nắm 40% cổ phần, nhưng vì không ai mua cổ phần nên cuối cùng nhà nước lại phải nắm giữ 60%. Hãng phim Giải phóng cũng trong tình trạng tương tự và Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục cổ phần hóa lần hai. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng có đặc thù riêng nên Nhà nước nắm 51% cổ phần, song việc tìm nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn để dẫn dắt ngành Hoạt hình Việt đi lên không đơn giản.

Hãng phim truyện Việt Nam, cái nôi của điện ảnh nước nhà, khi tìm được gương mặt chèo lái mới thì lại đầy tâm tư, vì nhà đầu tư chiến lược - Công ty Vận tải thủy không liên quan gì đến… làm phim. Có nhiều câu hỏi được đặt ra về việc có hay không chuyện "bán rẻ" một hãng phim với bề dày lịch sử và hàng nghìn mét vuông đất? Rồi sẽ phải giám sát thế nào để "vị lái tàu" mới không đưa hãng phim sang một ngành nghề khác? Phải làm gì để bảo đảm quyền lợi cho người lao động - các nghệ sĩ?… Tóm lại rất nhiều vấn đề.

Thay đổi để phát triển

Cơ sở vật chất tồi tàn đã tồn tại nhiều năm nay ở Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiệp


Có một nghịch lý được người trong nghề thừa nhận lâu nay là dù "ngôi nhà chung" xập xệ nhưng nhiều nghệ sĩ, nhất là những người có tài vẫn… sống khỏe. Tên tuổi của họ vẫn xuất hiện đều ở các dự án, chương trình hợp tác của hãng phim trong nước, thậm chí nước ngoài…

Mặc dù trong thẳm sâu tâm tư, người làm nghề vẫn muốn được "danh chính ngôn thuận" ở nơi họ đã gắn bó, trưởng thành. Song đa số nghệ sĩ nhận thức rõ phải cổ phần hóa để thay đổi, đi lên. Ngậm ngùi "một thuở vàng son", nhưng một thực tế phải đối mặt là trong khi hãng phim tư nhân quảng bá sản phẩm rầm rộ, thì phim do các hãng làm từ đầu tư nhà nước cứ… âm thầm ra rạp. Chưa bàn đến nội dung nhưng với cách làm như vậy đã có thể hình dung nguy cơ thua. Vấn đề đặt ra, phải làm gì để cổ phần hóa được thực hiện đúng pháp luật, với mục đích không gì khác là tạo ra môi trường để nghệ sĩ cống hiến góp phần phát triển điện ảnh nước nhà.

Các cơ quan quản lý nhà nước đều mong muốn doanh nghiệp điện ảnh sẽ phát triển mạnh mẽ sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, thực tế hoạt động sẽ nảy sinh nhiều vấn đề còn cần đến vai trò tích cực thể hiện ở 20% cổ phần của Nhà nước. Mặt khác, bản thân các nghệ sĩ cũng không thể không đổi mới để hòa nhập vào con đường phát triển chung.

Nhà Biên kịch Hà Anh Thu (Trưởng đại diện miền Trung - Tây Nguyên, Hãng phim truyện Việt Nam) cho rằng: Sự chuyển đổi này, dù chưa thể khẳng định ngay được thành công trong tương lai, song tôi hy vọng các hãng phim cũng như các nghệ sĩ cùng thay đổi tích cực hơn để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển. Cũng hy vọng chủ đầu tư chiến lược sẽ tạo ra môi trường làm nghề thuận lợi, mang lại cơ hội làm phim điện ảnh cho nghệ sĩ trẻ. Quá khứ là rất đáng trân trọng nhưng phải phát triển mới có thể tiếp nối, phát huy truyền thống. Nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam và các đơn vị khác thực sự có tài năng. Đừng để lãng phí nguồn lực này!

Bộ VH,TT&DL khẳng định, ngoài những nội dung cứng quy định theo pháp luật, còn yêu cầu nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam cam kết thêm 7 điểm. Trong đó 90% doanh thu của đơn vị phải từ hoạt động làm phim; diện tích đất thuộc hãng (hiện đang thuê của Nhà nước) phải thực hiện đúng mục đích theo phương án được phê duyệt. Nghệ sĩ sẽ không phải chuyển sang nghề... vận tải thủy và tiếp tục được lao động nghề nghiệp đúng nghĩa. Nếu chủ đầu tư vi phạm, Bộ có trách nhiệm lên tiếng yêu cầu bồi thường, hoặc yêu cầu thu hồi đất. Việc giám sát còn được thực hiện qua 3 vị trí cán bộ quan trọng mà Bộ gửi gắm tại công ty…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá khứ đáng trân trọng nhưng phải phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.