Theo dõi Báo Hànộimới trên

PVFCCo - Mở rộng sản xuất, chiếm lĩnh thị trường

Gia Khoa| 10/07/2014 06:49

(HNM) - Mặc dù còn nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh và thị trường nhưng 6 tháng đầu năm nay, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch...

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: Sơn Hà


Từ quý II-2014, Chính phủ có quyết định tăng giá khí, áp dụng công thức mới để tính giá khí cho sản xuất Đạm Phú Mỹ. Với công thức tính mới, giá khí tăng khoảng 12% so với giá cũ. Cụ thể, giá khí hiện tại Đạm Phú Mỹ mua là khoảng 7,5 USD/1 triệu BTU, trước đây là 6,7 USD/1 triệu BTU. Do giá khí chiếm 75% giá thành, nên việc tăng giá khí cộng với chi phí vận chuyển cũng tăng do việc "siết" tải trọng nên giá thành sản xuất tăng cao. Trong khi giá thành tăng thì giá bán phân đạm lại giảm. Ngoài ra, trên thế giới ngày càng có nhiều dự án sản xuất phân đạm đi vào hoạt động, với những tỷ lệ khác nhau bởi các quốc gia nhập khẩu phân bón có xu hướng đầu tư các dự án sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều này dẫn tới tổng công suất sản xuất phân đạm của thế giới tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng chậm hơn dẫn đến cung - cầu mất cân đối khiến giá bán ngày càng giảm. Đó là chưa kể giá phân đạm trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới và nguồn cung trong nước ngày càng tăng. Tổng công suất của các nhà máy đạm trong nước hiện nay đã hơn 2,3 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 2 triệu tấn. Được biết, trong tháng 7, hoặc tháng 8-2014, dây chuyền mở rộng sản xuất của Nhà máy Đạm Hà Bắc đi vào vận hành sẽ nâng tổng công suất của các nhà máy đạm trong nước lên 2,6 triệu tấn. Áp lực cạnh tranh khiến cho giá bán phân đạm khó có thể tăng.

Từ thực tế trên, lợi nhuận của các doanh nghiệp SXKD phân bón nói chung, PVFCCo nói riêng bị thu hẹp. Để giải quyết vấn đề này, PVFCCo đã mở rộng kinh doanh, đầu tư các dự án để tăng doanh thu, lợi nhuận. Việc đầu tư này cũng hướng đến các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu, cốt lõi của tổng công ty là phân bón và hóa chất. Bên cạnh sản phẩm truyền thống là Đạm Phú Mỹ vẫn vững vàng vị thế số 1 với 40% thị phần cả nước, PVFCCo thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm phân bón bằng cách kinh doanh bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ chất lượng cao. Đây cũng là lợi thế và sự khác biệt của PVFCCo với các doanh nghiệp SXKD phân bón khác, đồng thời đáp ứng nhu cầu của nông dân về một bộ sản phẩm phân bón chất lượng cao, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho từng thời kỳ phát triển của cây trồng. 6 tháng đầu năm nay, sản lượng kinh doanh các sản phẩm ngoài Đạm Phú Mỹ của PVFCCo đạt gần 200.000 tấn, đóng góp 30% doanh thu. Ngoài ra, trong lĩnh vực hóa chất, PVFCCo cũng đạt được những bước tiến đáng kể. Đầu năm nay, PVFCCo đã đưa vào hoạt động xưởng hóa phẩm dầu khí, chuyên gia công cung cấp các hóa phẩm chuyên dụng cho các đơn vị trong ngành dầu khí. Đến nay, xưởng đã cung cấp cho khách hàng hơn 5.000 thùng hóa phẩm dầu khí chuyên dụng, đem lại doanh thu 60 tỷ đồng (xưởng sản xuất hóa phẩm dầu khí này được xây dựng cuối năm 2013 tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu với công suất 25.000 thùng/năm, gia công, sản xuất được các loại hóa phẩm, hóa chất chuyên dùng trong khai thác dầu, khí và các loại hóa chất sử dụng trong các nhà máy lọc hóa dầu). Dự kiến, năm nay khi xưởng chạy hết công suất, sẽ đạt 300 tỷ đồng doanh thu.

Không những giữ vững được vị thế trong SXKD, việc triển khai các dự án mới về hóa chất như UFC85/formaldehyde, NH3-NPK của PVFCCo đã đạt được những kết quả ban đầu. Dự án sản xuất UFC85/formaldehyde, công suất thiết kế 15.000 tấn UFC85/năm, hoặc 25.000 tấn formalin/năm (quy đổi), đã ký hợp đồng EPC dự kiến có sản phẩm thương mại vào quý IV-2015; tổ hợp dự án nâng cấp xưởng NH3 Nhà máy Đạm Phú Mỹ (tăng thêm 90.000 tấn NH3) và sản xuất phân bón NPK công nghệ hóa học, công suất 250.000 tấn/năm, sẽ hoạt động và có sản phẩm thương mại vào năm 2017. Khi các dự án này hoạt động, PVFCCo sẽ có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu, lợi nhuận. 

PVFCCo đã vinh dự đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2014 do người tiêu dùng bình chọn. Đây là năm thứ 11 liên tiếp PVFCCo đạt danh hiệu cao quý này kể từ năm 2004, khi sản phẩm Đạm Phú Mỹ bắt đầu thâm nhập thị trường. Danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao là một trong những danh hiệu uy tín trên thị trường bởi lẽ đây là danh hiệu do người tiêu dùng bình chọn từ chính trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm. Để đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, các doanh nghiệp cần minh bạch với người tiêu dùng 3 tiêu chí gồm: Chất lượng hàng hóa, sự minh bạch trong cạnh tranh và trách nhiệm xã hội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PVFCCo - Mở rộng sản xuất, chiếm lĩnh thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.