Theo dõi Báo Hànộimới trên

PVFC và Western Bank: Sau hợp nhất sẽ phát triển?

Gia Khoa| 18/07/2013 06:33

(HNM) - Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận về nguyên tắc hợp nhất giữa Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC - thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank).



Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp nhất của hai đơn vị này. Được biết, sau khi PVFC hợp nhất với WesternBank, dù tỷ lệ sở hữu tại PVFC giảm từ 78% xuống 52% và có thể chỉ còn 20% theo lộ trình nhưng PVN vẫn là chỗ dựa của ngân hàng mới sau hợp nhất.

Giao dịch tại Ngân hàng Phương Tây.


PVN đang nắm 78% vốn tại PVFC. Sau khi PVFC hợp nhất với Western Bank, vốn sở hữu của PVN sẽ giảm xuống 52%. Tại đại hội cổ đông thường niên 2013 của PVFC, Tổng Giám đốc PVN cho biết sẽ bán tiếp cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu và theo lộ trình, sẽ giảm tiếp phần vốn tại PVFC chỉ còn 20%. Việc giảm mạnh vốn của PVN tại PVFC làm cho nhiều cổ đông PVFC lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động và thanh khoản của ngân hàng sau hợp nhất. Trước những băn khoăn này, lãnh đạo PVN đã khẳng định việc thoái vốn không ảnh hưởng đến việc tập đoàn tiếp tục ủng hộ PVFC, bởi đây vẫn là một hoạt động đầu tư tốt... Chủ tịch Hội đồng quản trị PVFC cho biết, sau khi hợp nhất, PVFC sẽ có đủ công cụ, hoạt động đầy đủ các nghiệp vụ của ngân hàng và tiềm năng phát triển sẽ rất lớn…

Theo các chuyên gia, sau khi hợp nhất, lợi thế lớn nhất của ngân hàng hợp nhất này là mạng lưới hệ thống, bởi một bên mạnh về nghiệp vụ bán buôn, còn một bên vốn chuyên bán lẻ. Tại miền Bắc, PVFC dù là công ty tài chính nhưng lại có ưu thế trong tài trợ vốn cho các dự án và tổ chức kinh tế, hơn nữa công ty này cũng có thương hiệu của ngành dầu khí hỗ trợ. Western Bank dù không mạnh ở TP Hồ Chí Minh nhưng mạng lưới tại khu vực miền Tây khá rộng và ở địa bàn này, tên tuổi của Western Bank rất có uy tín. Được biết, những vấn đề liên quan đến việc hợp nhất giữa PVFC và Western Bank sẽ được thông qua tại đại hội đồng cổ đông do PVFC tổ chức vào cuối tháng 7-2013. Đề án hợp nhất cũng đã được hai tổ chức công bố cho cổ đông và được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua. Hiện tại, PVFC đang có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, còn Western Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên vào tháng 5-2013, cổ đông PVFC đã thông qua đề án hợp nhất để đưa PVFC từ một công ty tài chính thành ngân hàng thương mại cổ phần với tỷ lệ hoán đổi dự kiến 1:1 và không bị biến động theo thị giá. Đặc biệt, gần đây PVFC đã thực hiện một loạt hoạt động thoái vốn tại các công ty, cụ thể: Đã bán 5 triệu cổ phiếu PTL của Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí PVC, đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu PPC của Nhiệt điện Phả Lại…

Như vậy, nếu việc hợp nhất giữa PVFC - Western Bank thành công, đây sẽ là thương vụ thứ 3 trong lộ trình tái cơ cấu bắt buộc đối với các ngân hàng yếu kém bên cạnh việc hợp nhất 3 ngân hàng (Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất) thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn và vụ sáp nhập Habubank và Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội. Hy vọng, sau khi hợp nhất, hoạt động theo mô hình mới, các bên sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, hợp nhất là một hướng đi tốt nhưng quan trọng là cách làm. Trong quá trình hợp nhất, nhiều tình huống có thể xảy ra và tác động tới sự thành bại của kế hoạch hợp nhất. Để giảm những rủi ro này, các đơn vị tham gia hợp nhất cần phải công khai, minh bạch mọi vấn đề để các bên có thể lường trước được tình huống và có kế hoạch ứng phó. Ngoài ra, thông thường các tổ chức tín dụng sáp nhập với nhau là nhằm mục đích tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh doanh thu. Trong trường hợp này, việc sáp nhập nên được khuyến khích.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
PVFC và Western Bank: Sau hợp nhất sẽ phát triển?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.