Bài 2: Đánh thức tiềm lực từ những mô hình

Công nghiệp văn hóa - Ngày đăng : 09:30, 15/11/2024

Nhiều năm qua, những ý tưởng đánh thức Sông Hồng đã hình thành cùng nhiều mô hình giàu giá trị văn hóa, sáng tạo đã tạo nên những chấm phá cho bức tranh sông Mẹ. Một trung tâm sáng tạo, một không gian sinh thái, một hành trình du lịch dọc tuyến sông Hồng qua các quận, huyện đang được mở ra… đều mang nhiều ý nghĩa. Rất nhiều ý tưởng, nhiều mô hình đang mở hướng cho một tương lai mới của vùng đất ven sông.
cover-1-b2.jpg

Nhiều năm qua, những ý tưởng đánh thức sông Hồng đã hình thành cùng nhiều mô hình giàu giá trị văn hóa, sáng tạo, tạo nên những chấm phá cho bức tranh sông Mẹ. Một trung tâm sáng tạo, một không gian sinh thái, một hành trình du lịch dọc tuyến sông Hồng qua các quận, huyện đang được mở ra… đều mang nhiều ý nghĩa. Rất nhiều ý tưởng, nhiều mô hình đang mở hướng cho một tương lai mới của vùng đất ven sông.

tit-phu-1.jpg

Những ý tưởng đã hình thành từ nhiều năm trước, nhưng có thể nói rằng, từ sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, kỳ vọng đánh thức tiềm năng dòng sông Mẹ lại càng có cơ sở.

Bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm Hà Nội có đặc điểm sinh học đa dạng, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Tại Hội thảo về đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thông tin: Thuộc tính quan trọng ở đây, đó là có không gian mặt nước, cây xanh tự nhiên và không gian đô thị, hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái mặt nước. Trong bối cảnh bùng nổ dân số và thiếu không gian công cộng hiện nay, việc cải tạo những không gian này mang đến nhiều lợi ích cho đô thị. Cũng từ điểm nhìn này, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tuyên, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, bãi giữa như “viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô, khi lâu nay, nơi đây trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú.

464571050_2545348205666164_7759625339934966352_n.jpg
Nhiều khu đô thị mới mọc lên bên bờ Bắc sông Hồng. Ảnh: Quang Thái
Nhiều khu đô thị mới mọc lên bên bờ Bắc sông Hồng. Ảnh: Quang Thái
Từ Vinhomes Ocean Park, chúng ta có thể dễ dàng di chuyển đến các vùng trung tâm thành phố thông qua các cây cầu lớn nối qua sông Hồng. Ảnh Quang Thái
Từ Vinhomes Ocean Park có thể dễ dàng di chuyển đến các vùng trung tâm thành phố thông qua các cây cầu lớn nối qua sông Hồng. Ảnh: Quang Thái
z6025602753225_06d7d6031e55a17e52a5012c14a97e2d.jpg
Nhiều khu đô thị mới mọc lên bên bờ Bắc sông Hồng (Khu đô thị Việt Hưng, Quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái

Nhiều năm về trước, có nhà đầu tư Singapore đã lựa chọn xây dựng khu đô thị hiện đại trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và nhiều ý tưởng khác cũng được bàn thảo, nhưng vì nhiều lý do không được triển khai, trong đó có liên quan đến vấn đề đê điều. Hiện tại, Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế, hình ảnh của một thành phố hiện đại, sáng tạo, hội nhập. Do vậy, việc phát triển những không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo tại Bãi giữa sông Hồng là hết sức cần thiết và có cơ sở thực tiễn.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết, thành phố đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo và đáng chú ý, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Từ thực tế phát triển của Hà Nội có thể nhận định, việc tận dụng bãi giữa sông Hồng để bổ sung không gian văn hóa, sáng tạo cho Hà Nội là cần thiết và điều này sẽ góp phần từng bước hình thành một Hà Nội quay mặt ra sông Mẹ.

Thực tế, những trung tâm sáng tạo đang dần tìm chỗ đứng bên sông là một minh chứng cho ý tưởng này. Có rất nhiều ý tưởng về việc quy hoạch các phân khu chức năng cho vùng đất ven sông Mẹ như không gian công viên cây xanh vui chơi thư giãn, không gian sáng tạo nghệ thuật gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử, không gian biểu diễn nghệ thuật, không gian ẩm thực và đồ uống… Tuy nhiên, nhiều nhà quy hoạch cho rằng, nếu chỉ nhìn ở góc độ văn hóa, với sức cuốn hút là chưa đủ, các dự án phải tính toán giải pháp kỹ thuật, bảo đảm hài hòa với dòng sông Mẹ.

box-o-tuan.jpg

Ở điểm nhìn của một nhà hoạch định, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, bãi nổi giữa sông Hồng là không gian duy nhất còn lại để tạo dựng không gian công cộng và văn hóa gắn bó mật thiết với môi trường sinh thái. Đồng thời, kết nối đồng bộ với "khu phố cổ”, "khu phố cũ” thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và các làng trồng hoa tại các quận Tây Hồ, Long Biên, góp phần đẩy lùi nạn lấn chiếm đất tại hai khu vực trên.

Liên quan đến nhiều công trình, dự án ở khu vực bãi bồi bên sông Mẹ, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng cho biết, những năm gần đây, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao nên diện tích bãi nổi giữa và bãi ven sông ít thay đổi. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - văn minh - hiện đại”, bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo xây dựng thành công viên văn hóa đa chức năng… Đây là cơ sở vững chắc cho việc mở rộng những không gian sáng tạo bên sồng Hồng, góp phần tạo dựng đô thị xanh với việc thúc đẩy nền kinh tế cho sự phát triển bền vững cho Thủ đô.

tit-phu-2(1).jpg

Dòng sông Mẹ đang mở ra cánh cửa phát triển cho các vùng đất bãi ven sông.

Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa và 45 lễ hội truyền thống, 88 di tích đã được công nhận xếp hạng. UBND thành phố Hà Nội đã công nhận 8 điểm du lịch trên địa bàn huyện, đây được coi là “cánh cửa” để địa phương mở rộng các dịch vụ du lịch, thu hút khách tới tham quan và trải nghiệm ở vùng nông thôn trù phú. Với 3 xã vùng đất bãi ven sông Hồng, gồm: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc, Thanh Trì đang tập trung phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.

Yên Mỹ là một vùng quê có lịch sử lâu đời, đứng trên đê sông Hồng nhìn từ Đông Mỹ lên và từ Yên Sở xuống, hoàn toàn có thể cảm nhận được cái chất riêng có của vùng quê sông nước hữu tình. Yên Mỹ có nhiều khu du lịch sinh thái, như: Vạn An, Hải Đăng, Đầm Tròn, Vườn Chim Việt, hay khu trồng rau thủy canh, mỗi nơi có một sức hấp dẫn. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ trang trại Vạn An - Hải Đăng cho biết, không chỉ là khu trải nghiệm bổ ích cho học sinh, tại trang trại còn nuôi hàng trăm con ngựa bạch, cung cấp giống ngựa này cho nhiều trang trại ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang, Thái Bình, Vũng Tàu.

box-o-hung.jpg

Trong câu chuyện về những mô hình sinh thái ven sông kết hợp với công nghiệp văn hóa, du lịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, Thanh Trì lựa chọn Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An để đầu tư xây dựng thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đưa vào các ấn phẩm giới thiệu du lịch của thành phố. Hiện tại, Thanh Trì đang phát triển mô hình trồng rau sạch rộng 140ha tại các xã vùng đất bãi, thu hút đông đảo người dân tới tham quan, trải nghiệm.

Hay như vùng bãi sông Hồng tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: “Cách đây hơn 10 năm, khi thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, nhiều người vẫn nghĩ tôi bị “điên”, hão huyền vì một điều không thực. Tuy nhiên, tiềm lực về không gian ven sông Hồng, về văn hóa, lịch sử đã biến điều huyễn hoặc này thành hiện thực”.

Đến xã Hồng Vân hôm nay với những ngôi làng xanh mướt rau màu, hoa, cây cảnh, tại khu sản xuất của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, người ta không chỉ được tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa, mà còn được thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa. Mỗi người còn có thể giữ lại những khoảng khắc đẹp khi chụp ảnh tại các vườn hoa, cây cảnh có dáng thế độc đáo, hay 21 tuyến đường được đặt tên theo loài hoa như: Hoa ban, hoa hoàng yến, hoa phượng, hoa giấy, hoa chuông vàng, hoa cau…

Tọa lạc trên bãi bồi sông Hồng thuộc thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội), Hợp tác xã Dâu tây và nho Vĩnh Ngọc là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng thành công các công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Dâu tây và nho Vĩnh Ngọc Vũ Văn Lực cho hay, vùng bãi sông Hồng được phù sa bồi đắp, thổ nhưỡng và khí hậu rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sinh thái. Hiện mô hình trồng nho, dâu tây của hợp tác xã có quy mô hơn 5ha, hằng năm cho sản lượng 10 tấn nho và 5 tấn dâu tây, doanh thu gần 4 tỷ đồng, trong đó có gần 1 tỷ đồng lợi nhuận. Hiện tại, với mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, nơi đây vào mùa dâu tây đón hơn 500 du khách khách mỗi ngày, có ngày cao điểm lên đến cả nghìn khách.

“Chỉ với 50.000 đồng, khách tham quan có thể trải nghiệm, vui chơi thoải mái trong không gian rộng rãi trong lành, được thư giãn, nghỉ ngơi như đang ở trong chính khu vườn của gia đình, ngắm nhìn cảnh quan sông Hồng”, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tây và nho Vĩnh Ngọc Vũ Văn Lực cho hay.

Rất nhiều mô hình du lịch sinh thái gắn với vùng đất ven sông Mẹ đang cho thấy hiệu quả thực tế và mở hướng phát triển mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ, nông nghiệp Hà Nội là nền nông nghiệp nằm trong lòng đô thị, do đó, phát triển nền du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch là một trong những mục tiêu mà nông nghiệp Thủ đô hướng tới. Đặc biệt, với lợi thế các xã ven sông, điều này càng dễ hiện thực hoá. Có thể nhận định: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Luật Thủ đô (sửa đổi) là chìa khoá để mở ra nhiều hơn nữa những mô hình du lịch này.

Có thể thấy, những mô hình không gian sáng tạo của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, hay những mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch tại Thường Tín, Đông Anh… đều chất chứa tư duy đột phá, đánh thức những sáng tạo, chắp cánh cho những khát vọng về một vùng đất bãi ven sông Mẹ trong xu thế phát triển mới của thời đại.

Một trong những thách thức đặt ra là số lượng người sống ở các khu vực bãi sông, nơi chịu các rủi ro về ngập lũ trên địa bàn Hà Nội rất lớn, lên đến hơn 622 nghìn người, chiếm khoảng 8,22% tổng số dân số của thành phố. Ngoài ra, tình trạng xâm lấn đất tự nhiên chuyển hóa dần thành các khu ở bất hợp pháp đang diễn ra tại các khu dân cư ven sông.

XEM TIẾP

Đào Huyền - Duy Chánh - Quỳnh Dung