Nghị quyết và Cuộc sống

Bài 3: Đưa “chuyển đổi số” đến từng đảng viên

Nhóm phóng viên 29/10/2023 22:39

“Sổ tay đảng viên điện tử” đang được triển khai khá rộng rãi trên cả nước. Thông qua phần mềm này, Hà Nội đang từng bước đưa “chuyển đổi số” đến từng chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên.

cover-3.png

“Sổ tay đảng viên điện tử” đang được triển khai khá rộng rãi trên cả nước. Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, đến nay, kết quả thực hiện rất tập trung với hơn 442.000 đảng viên, chiếm 93,1% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ đã cài đặt “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội”. Thông qua phần mềm này, Hà Nội đang từng bước đưa “chuyển đổi số” đến từng chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên.

line-tit.jpg

TIỀM NĂNG TO LỚN

Đảng bộ quận Long Biên là một trong 10 đơn vị làm điểm trước khi “Sổ tay đảng viên điện tử” được triển khai rộng khắp trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội. Không chỉ vậy, Long Biên còn là đơn vị đi đầu trong ứng dụng phần mềm này vào công tác xây dựng Đảng, trước hết là đổi mới sinh hoạt chi bộ. Chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu cách làm tại Long Biên nhằm làm rõ những kinh nghiệm cần thiết cho việc phổ cập “Sổ tay đảng viên điện tử” và khai thác tiềm năng của nó phục vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng.

Với "Sổ tay đảng viên điện tử", Bí thư Chi bộ Trần Huy Đoạt dễ dàng gửi thông tin lịch họp chi bộ và dự thảo Nghị quyết tới các đảng viên.

Ông Trần Huy Đoạt, Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ phường Việt Hưng, quận Long Biên năm nay đã 70 tuổi. Với dáng vẻ trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông chia sẻ: “Từ ngày có ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, công việc của tôi không chỉ thuận lợi và hiệu quả, mà còn vui vẻ, hứng khởi hơn”.

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, ông Đoạt cho biết, để chuẩn bị sinh hoạt chi bộ hằng tháng, sau khi Chi ủy thống nhất, dự thảo Nghị quyết sẽ được “ắp lên” (upload - tải lên) “Sổ tay đảng viên điện tử”. Tại đây, tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ, kể cả người được miễn sinh hoạt chi bộ đều có thể nghiên cứu và đóng góp ý kiến.

“Thường thì trước buổi sinh hoạt 2-3 ngày, chúng tôi đưa dự thảo nghị quyết lên. Các đảng viên có thời gian nghiên cứu để đóng góp ý kiến, trong khi chúng tôi không phải in tài liệu, gửi tài liệu như trước”, ông cho biết. Chưa kể, với hệ thống máy chiếu được trang bị phục vụ cho các buổi sinh hoạt chi bộ, “Sổ tay đảng viên điện tử” còn là nội dung trình chiếu minh họa cho các nội dung sinh hoạt, nên không khí các buổi sinh hoạt ngày càng sinh động, thu hút hơn.

“Từ khi ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên trông thấy. Chi bộ chúng tôi có 56 đảng viên, trong đó có 13 đồng chí được miễn, 43 đảng viên tham gia sinh hoạt. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt thường xuyên đạt từ 40 đồng chí trở lên, tương đương 90-95%. Số ý kiến phát biểu thảo luận cũng tăng lên, nếu trước kia mỗi cuộc họp chỉ có 2-3 ý kiến, thì nay thường có từ 5-7 ý kiến”, Bí thư Chi bộ 2 Trần Huy Đoạt nói.

img_5468.jpeg
Bí thư Chi bộ 11 (phường Việt Hưng) Nguyễn Hữu Trí (bìa phải) hào hứng trao đổi về "Trợ lý ảo" trong phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”.

Theo Bí thư Chi bộ 11 (Đảng bộ phường Việt Hưng) Nguyễn Hữu Trí, “Sổ tay đảng viên điện tử” còn là cẩm nang của người cán bộ cấp ủy trong việc nắm bắt các văn bản, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác Đảng.

“Trước đây, cần tìm hiểu về nội dung gì, chúng tôi phải mò tìm tài liệu in hoặc hỏi xin của Đảng ủy phường rất mất công, còn tra google thì nhiều rủi ro, không chắc chắn, nay với mục “Trợ lý ảo” trong “Sổ tay đảng viên điện tử”, chúng tôi có thêm một người đồng hành thông thái”, ông Trí chia sẻ.

Còn đối với đảng viên Hà Đức Chính, Chi bộ 11, “Sổ tay đảng viên điện tử” là kênh thông tin chính thống, tiện lợi giúp đảng viên kết nối với chi bộ, các đảng viên trong chi bộ, đặc biệt là giúp đảng viên nắm bắt thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản mới. Đặc biệt, chúng tôi còn có thể phản hồi, nêu ý kiến với cấp trên ngay trên ứng dụng này".

img_5446.jpeg

-

line-tit.jpg

CÔNG CỤ
KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG

Đối với Ban Tổ chức cấp ủy hay cấp ủy cấp xã, cấp huyện, sau khi triển khai ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ, đây chính là kênh giúp theo dõi, giám sát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề trong toàn đảng bộ.

Bí thư Đảng ủy phường Việt Hưng Đinh Quang Luận cho biết, để giúp các chi bộ thành thạo ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt, Đảng ủy phường đã phân công cán bộ, công chức, viên chức phường là đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ; đồng thời giao cho các đồng chí này chịu trách nhiệm vận hành, hướng dẫn chi bộ sử dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt hằng tháng.

Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Nguyễn Xuân Long kiểm soát việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ở cơ sở thông qua “Sổ tay đảng viên điện tử” trên máy tính.

Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Nguyễn Xuân Long cho biết, nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ quận, nên lãnh đạo Quận ủy cũng như Ban Tổ chức Quận ủy có thể theo dõi tình hình tổ chức sinh hoạt chi bộ hằng tháng, số lượng đảng viên tham gia, kiểm tra, đánh giá chất lượng các văn bản liên quan, nhất là dự thảo nghị quyết chi bộ.

“Mỗi loại hình lại có đặc thù riêng, nên nghị quyết chi bộ cũng phải khác, không thể rập khuôn, hình thức. Trước đây, muốn xem tài liệu của chi bộ, chúng tôi phải liên lạc đề nghị gửi email hoặc trực tiếp xuống lấy bản in. Nhưng nay, qua máy tính ở quận, chúng tôi cùng lúc có thể xem được dự thảo nghị quyết của hơn 500 chi bộ thuộc quận. Nên nơi nào làm hình thức, nghị quyết không bám sát thực tiễn địa bàn là chúng tôi góp ý để đảng ủy phường lưu ý chỉ đạo ngay. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, và quan trọng là chúng tôi có thể kiểm soát được”, đồng chí Nguyễn Xuân Long nói.

info-b3.jpg

Cùng với Đảng bộ quận Long Biên, việc ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” vào sinh hoạt chi bộ đã được chỉ đạo triển khai đồng loạt trên toàn Đảng bộ thành phố. Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, tính đến nay, có 442.970/475.880 đảng viên đã cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 102,43% so với số đảng viên đủ điều kiện, đạt 93,1% đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố. 12.734/16.762 chi bộ đã ứng dụng phần mềm trong sinh hoạt chi bộ, đăng tải 1.300 tin bài, 1.496 văn bản tài liệu.

Là một trong những đơn vị tích cực nhất trong ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” và các phần mềm vào công tác Đảng của đơn vị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VNPT Hà Nội Hà Thế Lãng cho biết: “Bây giờ, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trên tay, tôi có thể tiếp nhận thông tin, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của cấp ủy ở mọi lúc, mọi nơi”.

Việc triển khai ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” bước đầu mang lại tiện ích, giúp chi ủy điều hành họp chi bộ khoa học, tiết kiệm thời gian triển khai văn bản, kịp thời thông tin cho đảng viên.

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TRIỆU THỊ NGỌC

Cùng với “Sổ tay đảng viên điện tử”, đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc với 4 phần mềm gồm: Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của Ban; Đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng; Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

4-phan-mem-fn.jpg

Đi kèm với các phần mềm này, Ban Tổ chức Thành ủy đã ban hành hoặc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các quy chế quản lý, vận hành sử dụng phần mềm bảo đảm các quy định an toàn, khoa học, hiệu quả; đồng thời, thường xuyên rà soát nâng cấp, hoàn thiện.

Trong quý III-2023, Ban Tổ chức Thành ủy đã phối hợp với Công an thành phố triển khai kiểm tra an ninh các phần mềm của Ban, sau kiểm tra, tiếp tục bổ sung các chức năng của 2 phần mềm, tăng cường các tính năng bảo mật. Đến nay, các phần mềm đã đủ điều kiện cập nhật, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, dễ sử dụng.

Có thể nói, với tư duy “chuyển đổi số” và quyết tâm tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt là sự quan tâm, hợp tác của cán bộ, đảng viên, chi bộ, Hà Nội đang thực sự có bước tiến rõ nét về “chuyển đổi số” trong công tác Đảng.

line-end(1).jpg

⇩ XEM TIẾP ⇩