Văn hóa

Bài 4: Yêu quê thì sẽ còn quê

Nhóm phóng viên 10/08/2023 20:53

Việc chuyển hóa từ nông dân sang thị dân là một cuộc vận động dài và bền bỉ nhưng cũng chính là cốt lõi để những vùng nông thôn vẫn giữ được bản sắc riêng dù khoác áo mới.

cover4.jpg

Xây dựng nông thôn hiện đại cũng nhằm mục đích cuối cùng là để đời sống nông thôn được nâng cao hơn, người nông dân được hạnh phúc hơn. Việc chuyển hóa từ nông dân sang thị dân là một cuộc vận động dài và bền bỉ, nhưng cũng chính là cốt lõi để những vùng nông thôn vẫn giữ được bản sắc riêng dù khoác áo mới.

bai4-tit1.jpg

“Cơn lốc” đô thị hóa tràn vào các vùng quê như một sự phát triển tất yếu nhưng cũng mang đến những hệ quả không mong muốn đối với quy hoạch phát triển nông thôn. Nhiều diện tích ruộng bỗng chốc nằm trong vùng quy hoạch thành khu đô thị, công trình văn hóa, giải trí... Nhiều nông dân “chân lấm tay bùn” bỗng thành tỉ phú chỉ trong 1 đêm nhờ... bán đất. Điều kiện kinh tế khá giả khiến cho nhu cầu sinh hoạt của nhiều gia đình đổi khác.

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Dương Đá (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) Phùng Đắc Xương trầm ngâm, đất nông thôn giờ là “tấc vàng”, chỉ bán đất thôi, người nông dân đã có thể giàu có. Có tiền, người ta xây nhà mới, tâm lý ai cũng muốn nhà cao, cửa rộng, việc ngôi nhà của mình có hài hoà với tổng thể thôn làng hay không chả mấy người quan tâm. Văn hóa ứng xử theo đó cũng khác xưa, giao tiếp kiểu làng xã ít đi, nhà nào biết nhà nấy…

bai4-img1.jpg
Không ít cổng làng, cổng nhà cổ vẫn được người dân trân trọng, gìn giữ.

Nhìn ở góc độ quy hoạch kiến trúc, điều kiện kinh tế cùng tư duy của người dân sẽ quyết định đến việc gìn giữ những kiến trúc nhà truyền thống và không gian cảnh quan kiến trúc của từng làng, xóm. Trong cuộc đàm luận khá dài với chúng tôi, kiến trúc sư Nguyễn Luận cho rằng, không gian cảnh quan kiến trúc làng quê đến nay còn lưu giữ được chủ yếu là những quần thể kiến trúc công cộng của làng như, các di tích đình - đền - chùa, cổng làng, có nơi còn cây đa, giếng nước... Nhưng kiến trúc nhà là tài sản cá nhân, phụ thuộc lớn vào cách người dân muốn bảo tồn, gìn giữ đến đâu.

“Người thích truyền thống thì họ sẽ xây nhà kiểu xưa, còn người thích hiện đại họ sẽ bắt chước xây nhà như ở các khu đô thị lớn. Vì thế, để thay đổi nếp nghĩ của người dân, các địa phương nên có sự tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền người dân những kiểu nhà mang tinh thần truyền thống nhưng sử dụng các vật liệu hiện đại, phù hợp”, kiến trúc sư Nguyễn Luận nói.

Không thể phủ nhận, đời sống ở các vùng quê đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều địa phương đang nỗ lực xây dựng những phòng trào đời sống mới để tái tạo không gian đáng sống cho người dân, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, sẻ chia. Các phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, Tổ dân phố văn hóa, Gia đình văn hóa... lan tỏa rộng, tạo nên đời sống văn hóa nông thôn sinh động và nền nếp hơn.

Trong bối cảnh làng quê có nhiều đổi khác, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Bá Hoàn cho biết, xã có 9 thôn, cả 9 đều có nhà văn hóa để người dân sinh hoạt văn hóa thường xuyên.

“Người dân yêu quê, tự hào về mảnh đất mình đang sống thì họ mới đồng lòng giữ gìn bản sắc và những gì đang có. Trong nỗ lực giữ lại không gian cảnh quan kiến trúc xưa, chúng tôi đang cùng nhân dân cố gắng bảo tồn các di tích. Xã cũng đã lập quy hoạch khu vực 1,4ha xây dựng thêm các khu phụ cận ở di tích đình Quán Giá nhằm phát triển du lịch”, ông Nguyễn Bá Hoàn cho biết.

Cũng với niềm tự hào quê hương Hạ Mỗ đang là điểm sáng của “nông thôn mới nâng cao”, tiến tới là “nông thôn mới kiểu mẫu”, cán bộ văn hóa xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Xuân Việt cho biết, địa phương đang ấp ủ kế hoạch khôi phục lại một số không gian cảnh quan, kiến trúc làng quê xưa để thu hút khách trải nghiệm như: Tái hiện lại con đường gạch nghiêng, tổ chức phiên chợ quê...

“Hạ Mỗ đã được công nhận là điểm đến du lịch cấp thành phố. Người dân dần có ý thức hơn về làm du lịch cộng đồng. Cùng với việc nâng cao kỹ năng ứng xử, việc khôi phục, bảo tồn những giá trị cảnh quan, kiến trúc xưa đang được chú trọng hơn”, ông Nguyễn Xuân Việt bày tỏ.

► VIDEO: Nông thôn Hà Nội nhìn từ flycam

bai4-tit2.jpg

Trong hành trình đi tìm lại những dấu ấn kiến trúc nông thôn đặc trưng và nếp làng ngày nay, chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều mô hình kiến trúc làng cũ và mới, đang tạo sức lan tỏa lớn. Trong đó có sự đóng góp của chính quyền và nhân dân để tạo dựng một không gian văn hóa, kiến trúc giữ bản sắc riêng. Đây có thể coi là những mô hình, cách làm điểm về bảo vệ cảnh quan, kiến trúc và văn hóa nông thôn trong đời sống mới.

bai4-img2.jpg
Cổng làng Lại Đà được xây mới lại từ tháng 3-2011, trung thành với kiến trúc của chiếc cổng cũ có từ 200 năm trước.

Lại Đà (xã Đông Hội), một trong những làng cổ của Đông Anh, đến nay còn giữ được dáng dấp cổ xưa nhờ vào các kiến trúc làng, kiến trúc nhà hài hòa. Ngôi làng này được công nhận là làng văn hóa cấp thành phố từ năm 2007.

Ngay đầu làng, chiếc cổng làng được xây mới lại từ tháng 3-2011, trung thành với kiến trúc của chiếc cổng cũ có từ 200 năm trước. Điều hấp dẫn riêng ở Lại Đà là đến nay còn giữ được một số cổng xóm cùng nhiều ngôi nhà có kiến trúc xưa và cụm kiến trúc đình - đền - chùa.

Trong trí nhớ và ghi chép lại của cụ Vương Khắc Tăng, các cổng xóm Lại Đà được xây dựng từ những năm 1945-1951. Đến nay, Lại Đà còn giữ được 2 cổng cổ, những cổng còn lại được người dân góp sức, nguyên vật liệu để khôi phục theo một mẫu thiết kế chung.

“Người dân đồng lòng khôi phục những chiếc cổng xóm theo kiến trúc cũ, vì thế, không gian, cảnh quan làng vẫn mang dấu xưa. Đó là cách chúng tôi giữ lại hồn quê trong đời sống hiện đại”, ông Tăng giãi bày.

bai4-box2.jpg

Một điểm nhấn cảnh quan tại Lại Đà khiến chúng tôi không thể quên đó là những đường ngõ nhỏ, hai bên là tường gạch đã lên rêu, dẫn vào khuôn viên mỗi gia đình. Không khó để tìm được những nhà vẫn còn đủ sân, vườn, nhà gỗ 3 gian lợp ngói, cổng nhà uốn cong, chạm khắc nhẹ nhàng, trên mái ghi dòng chữ Hán đã mờ theo thời gian. Trong vườn, trong sân, cây ăn trái, cây cảnh, vật nuôi hài hoà với nhau, tạo nên nét bình dị đong đầy cảm xúc...

Khác với Lại Đà, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) là một trong những nơi đang tạo ra sự đổi mới trong xây dựng không gian cảnh quan hài hoà giữa truyền thống và hiện đại.

Kể từ khi đại đô thị Vinhome Ocean Park hiện diện, quang cảnh làng quê, đời sống ở Dương Xá nhiều đổi khác. Điểm sáng là xã đã xây dựng được mô hình “thôn thông minh” đầu tiên của Hà Nội tại thôn Thuận Quang. Thôn được lắp đặt camera ở nhiều đoạn đường để phục vụ công tác quản lý các hoạt động, đời sống của thôn. Tại các khu công cộng, hệ thống wifi miễn phí mang đến nhiều lợi ích cho người dân. Các di tích, điểm đến trên địa bàn được gắn mã QR giúp người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin. Xã cũng xây dựng website, tài khoản mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương...

sua(1).jpg
Làng quê sẽ mất đi nét đặc trưng nếu thiếu những chiếc cổng xóm, cổng làng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá Phạm Thị Thúy, địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục gìn giữ những kiến trúc cổ trên địa bàn như cổng làng, cổng nhà, nhà truyền thống 3 gian. Cùng với đó, xã đã tiến hành chụp, lưu giữ bằng hình ảnh những kiến trúc, công trình cổ để làm tư liệu sau này. Ngoài ra, sau khi thí điểm thành công mô hình “thôn thông minh” tại Thuận Quang, xã sẽ triển khai nhân rộng tới các thôn khác.

Chia sẻ những vấn đề liên quan đến quy hoạch kiến trúc nông thôn, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, trong quá trình thực hiện các tiêu chí phát triển huyện thành quận, bên cạnh việc xây dựng gia đình văn hóa gắn với nếp sống văn minh đô thị, huyện cũng có phương án quy hoạch cho từng khu vực để bảo vệ cảnh quan kiến trúc, để xã lên phường không mất bản sắc. Chẳng hạn như ở làng gốm cổ Bát Tràng sẽ không phê duyệt các dự án nhà cao tầng, tuyên truyền người dân không tự ý làm vỡ cảnh quan kiến trúc làng.

bai4-img4.jpg
Trong "cơn lốc" đô thị hóa, việc giữ lại được những giếng cổ là một thách thức lớn.

Với tâm thế của một địa phương đi đầu trong xây dựng “nông thôn mới kiểu mẫu” của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng thông tin, trong quy hoạch của huyện cũng đã có phương án dự trữ quỹ đất phát triển sau này, xây dựng hệ thống mương, cây xanh xung quanh những làng cổ, điểm văn hóa...

“Không gian kiến trúc làng quê xưa giờ không còn nhiều nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng những không gian cảnh quan kiến trúc xanh, giữ các ao hồ, bờ mương... bởi đây là những nét đặc trưng của Đan Phượng”, bà Đào Thị Hồng cho biết.

Những câu chuyện vui, những điểm sáng chúng tôi ghi được trong chuyến đi khảo sát ở các vùng quê càng thôi thúc hơn chúng tôi đi tìm lời giải cho câu hỏi: Làm sao để có những sự chuyển đổi êm ái, ít gây xáo trộn và hợp lý trong quá trình đô thị hóa nông thôn?

Bài 3: Tái tạo, bảo tồn không gian làng nghề

Bài 5: Để nông thôn là miền di sản