Bài 5: Thúc đẩy làn sóng văn hóa “Made in Việt Nam”
So với nhiều nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam đang tụt lại phía sau trong cuộc đua xuất khẩu văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta rất giàu tiềm năng để có thể trở thành một quốc gia mạnh trong lĩnh vực này.
So với nhiều nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam đang tụt lại phía sau trong cuộc đua xuất khẩu văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta rất giàu tiềm năng để có thể trở thành một quốc gia mạnh trong lĩnh vực này. Những nền tảng về chính sách đã mở cánh cửa để văn hóa Việt bước ra thế giới nhưng cần nhiều “cú hích” để Việt Nam có vị trí xứng đáng trên sân chơi quốc tế.
Cách đây vài năm, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng chia sẻ: “Ngày xưa, khi đất nước còn chiến tranh gian khổ, rất nhiều đoàn phim nước ngoài muốn vào nước ta để đưa tin. Sau đó, trong những năm đổi mới, đài Đức, đài Nhật Bản, đài Nga cũng muốn đến Việt Nam để thông tin. Lúc đó họ “xin” vì những câu chuyện của ta khiến họ quan tâm, tò mò. Nhưng bây giờ họ không xin ta nữa nên ta phải tìm mọi cách để kéo họ đến bằng chính những vấn đề hấp dẫn của thời đại. Đây chính là lúc văn hóa cất lên tiếng nói để quảng bá hình ảnh đất nước”. Câu chuyện đầy cảm hứng này đặt ra nhiều suy ngẫm, nổi bật lên là sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận, phương pháp xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia. Nhưng có lẽ trước hết, đó là chuyện phải chủ động giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc ra thế giới, với bạn bè quốc tế. Đây cũng chính là nội hàm của xuất khẩu văn hóa, bởi bản chất của hoạt động này là đưa những gì thuộc về bản sắc của một quốc gia ra bên ngoài nhằm tạo dựng ảnh hưởng, uy tín và gia tăng “sức mạnh mềm” của quốc gia.
Tại Việt Nam, khái niệm này còn tương đối mới mẻ. Tuy nhiên, những cơ sở để Việt Nam có thể xuất khẩu văn hóa lại rất dồi dào. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Tom Fleming, Giám đốc Tổ chức hàng đầu về tư vấn văn hóa và công nghiệp sáng tạo toàn cầu TFCC có trụ sở tại Anh khẳng định: “Việt Nam rất giàu tiềm năng để xuất khẩu văn hóa. Những lợi thế chính nằm ở nền văn hóa và truyền thống đặc biệt của đất nước, lĩnh vực văn hóa đương đại đang phát triển và tinh thần kinh doanh, đổi mới trong lĩnh vực này đang gia tăng nhanh chóng”. Đây là nguồn dữ liệu phong phú để có thể tạo nên những sản phẩm văn hóa có giá trị. Quan trọng hơn, chúng ta đã khởi động những bước đi đầu tiên để hướng đến mục tiêu trên. Trong đó, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QÐ-TTg ngày 8-6-2016 được xem là “cú hích” lớn. Một điều rõ ràng là muốn xuất khẩu văn hóa thì trước hết phải có những sản phẩm đủ chất lượng, mang dấu ấn bản địa nhưng giàu tính sáng tạo. Việc này không thể đạt được nếu như không phát triển một ngành công nghiệp văn hóa đủ mạnh, nơi văn hóa được xem như một ngành kinh tế có khả năng mang lại lợi ích thương mại.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải vật chất và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm dịch vụ dựa vào tri thức. Định nghĩa này có thể có sự thay đổi với mỗi quốc gia, nhưng chắc chắn phải hội tụ đủ 4 yếu tố gồm tính sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Nói cách khác, công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp bao gồm các hoạt động sản xuất, khai thác, phân phối và tiêu thụ sản phẩm như các ngành công nghiệp khác. Điểm khác biệt nằm ở chỗ đối tượng của quá trình sáng tạo, sản xuất và khai thác ở đây không phải là sản phẩm vật chất thông thường mà là sản phẩm văn hóa.
Nhận định công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách của các nước trên thế giới, trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đã xác định 13 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Quảng cáo, kiến trúc, thủ công, thiết kế, điện ảnh và video, xuất bản in, phần mềm và các trò chơi giải trí tương tác, xuất bản điện tử, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Điều này đã tạo khung chính sách thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong việc khai thác và chuyển hóa hiệu quả các thành tố, nhằm tạo ra những sản phẩm văn hóa có chất lượng. Đặc biệt, sự ra đời của chiến lược vào thời điểm ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành mũi nhọn kinh tế của nhiều quốc gia phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của Đảng và Chính phủ về vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, từ đó đưa văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”.
Là người đã cung cấp tư vấn chuyên môn cho Việt Nam về xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa từ những giai đoạn đầu tiên, Tiến sĩ Tom Fleming cho rằng: “Việc Chính phủ Việt Nam đặt phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở vị trí ưu tiên hàng đầu là một chuyển biến đáng hoan nghênh. Điều này đã kích hoạt rất nhiều hoạt động, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia sáng tạo, sôi động hơn nhờ cam kết chính sách ban đầu đó. Giờ đây, cơ hội đã mở ra để Việt Nam tiến lên một tầm cao mới: Thương hiệu và hồ sơ năng lực của Việt Nam cao hơn nhiều, cởi mở, hợp tác hơn và có một số tài năng đáng kinh ngạc tham gia vào lĩnh vực này. Thêm vào đó, Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang phát triển, cung cấp thị trường cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Sự tăng tốc của công nghệ kỹ thuật số cũng tạo ra nhu cầu mới về nội dung và trải nghiệm văn hóa”.
Chắc chắn có nhiều chuyên gia quốc tế cũng như học giả trong nước cùng chia sẻ nhận định rằng, Việt Nam giàu tiềm năng, nhiều cơ hội và khát khao trở thành một quốc gia xuất khẩu văn hóa mạnh. Với sự định hướng chính sách kịp thời, tinh thần sáng tạo, phải nói rằng chúng ta đã dành sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn để có những sản phẩm thật sự tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với khán giả quốc tế như: Ký ức Hội An, vở diễn Làng tôi, À Ố Show, Lễ hội âm nhạc Gió mùa… Phần mềm và các trò chơi giải trí còn tạo ra những kết quả ấn tượng hơn khi cứ 25 trò chơi được tải xuống trên toàn cầu, sẽ có một trò chơi được sản xuất tại Việt Nam… Thế nhưng, rõ ràng chúng ta vẫn chưa lan tỏa văn hóa đất nước tới mức tạo ra được làn sóng Việt trên quy mô toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể hiện thực hóa giấc mơ này?
Theo Tiến sĩ Tom Fleming: “Việt Nam nên xây dựng chiến lược xuất khẩu văn hóa để tạo ra khuôn khổ và lộ trình phù hợp, tính đến sự ưu tiên của các lĩnh vực văn hóa, cần dẫn đầu với những lĩnh vực có thế mạnh và tương đối sẵn sàng xuất khẩu như: Thời trang, nghệ thuật thị giác, thủ công, thiết kế, ẩm thực… rồi dần di chuyển đến các lĩnh vực văn hóa khác. Việc xác định các thị trường, sau đó là các đối tác, sự kiện và nền tảng mà Việt Nam có thể xây dựng hồ sơ của mình cũng đóng vai trò quan trọng để văn hóa Việt Nam có thể tạo dựng ảnh hưởng bên ngoài biên giới quốc gia”. Việc đặt xuất khẩu văn hóa trong một chiến lược tổng thể có sự nghiên cứu, phân tích đầy đủ các yếu tố thực tiễn sẽ giúp xây dựng khung chính sách tổng thể sẽ gắn kết chính sách xuất khẩu văn hóa với tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia khiến hoạt động này trở thành có thể phát triển như một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Điều đó sẽ thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của xuất khẩu văn hóa và kích hoạt sự tham gia của các địa phương, ban, ngành để lĩnh vực này trở thành một trọng tâm chính sách, nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng đáng.
Trên cơ sở nhận thức mới, sẽ có sự điều phối thống nhất các sáng kiến và hành động giữa các bộ, ngành khác nhau, huy động tối đa các nguồn lực nhằm phát triển hoạt động xuất khẩu văn hóa. Mỗi địa phương sẽ ban hành các cơ chế phù hợp, tìm ra hướng đi gắn xuất khẩu văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội để phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng, nguồn lực… của mình nhằm tạo ra những sản phẩm có bản sắc, tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản phẩm văn hóa, đóng góp và thúc đẩy cho mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa của đất nước.
Đặc biệt, việc xác định được các lĩnh vực văn hóa ưu tiên có ý nghĩa then chốt bởi chắc chắn với nguồn lực còn hạn chế, nếu đầu tư dàn trải và thiếu trọng điểm, Việt Nam sẽ không thể tạo ra những mũi nhọn có khả năng tạo đột phá.
Điều này thực sự khả thi khi đã xuất hiện những nét chấm phá tích cực trong bức tranh xuất khẩu văn hóa còn mờ nhạt của Việt Nam. Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long Trần Thanh Hiền vẫn không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ về chuyến lưu diễn dài ngày tại nhiều thành phố của nước Nga trong tháng 6 vừa qua với những khán đài luôn trong tình trạng kín chỗ: “Có ngày chúng tôi diễn tới 5 suất mà vẫn hết vé. Khán giả nước bạn tới xem và cổ vũ rất nhiệt tình, đây là niềm hạnh phúc lớn lao với những người nghệ sĩ”. Chắc chắn vũ công Quang Đăng cũng được tận hưởng cảm xúc ấy khi hình ảnh một số phát thanh viên truyền hình quốc tế hay các bạn trẻ nhiều nước hào hứng biểu diễn Vũ điệu rửa tay do anh biên đạo trên nền nhạc bài hát Ghen Cô Vy của nhạc sĩ Khắc Hưng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Đây chỉ là hai ví dụ cho thấy rằng, nghệ thuật biểu diễn hoàn toàn có thể vươn xa hơn nếu có sự đầu tư bài bản.
Ẩm thực cũng là một thế mạnh mà chúng ta có thể tiếp tục khai thác. Sau phở, nem, gỏi cuốn…, bánh mỳ đang ngày càng được yêu thích, trở thành món ăn mang thương hiệu Việt phổ biến ở nhiều nước. Tôi vẫn nhớ cậu thanh niên trẻ người Hàn Quốc tại chợ Namdaemun ở thủ đô Seoul khi biết khách hàng của mình đến từ Việt Nam đã lập tức kể tên món cà phê cốt dừa trong danh mục đồ uống anh ấy muốn trải nghiệm khi đến du lịch Việt Nam. Vậy nên phải khẳng định rằng khi chúng ta có các sản phẩm đủ chất lượng, hợp thị hiếu thì hoàn toàn có thể tạo nên những “cơn sốt” ở cấp độ quốc tế.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được đặt ra, đó là cần có nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động xuất khẩu văn hóa từ nhân lực quản lý, sáng tạo, sản xuất đến kinh doanh. Bên cạnh việc thúc đẩy vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo và phát triển các tài năng, cần có sự bồi dưỡng thường xuyên để có được nhân sự chất lượng bởi yếu tố con người có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thành công bất kỳ chính sách nào. Trong đó, cần khuyến khích những người trực tiếp sáng tạo có đam mê, nhiệt huyết và tìm tòi những thể hiện mới để tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo và có khả năng thương mại cao. Đặc biệt, cần có cơ chế để những người này cảm nhận và ý thức được việc họ thực sự tham gia vào guồng máy xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra nước ngoài. Ngoài ra, phải có phương thức phát triển đội ngũ nhân sự sáng tạo để bảo đảm tính tiếp nối, liên tục cho chiến lược xuất khẩu văn hóa.
Thế nhưng, sáng tạo nội dung chỉ là một phần trong dây chuyền khuếch tán văn hóa Việt Nam ra thế giới nên chưa thể quyết định liệu sản phẩm có thể tiếp cận khách hàng một cách rộng rãi hay không. Vì vậy, yếu tố tiếp thị có ý nghĩa then chốt. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã đi trước chúng ta rất lâu trong địa hạt này thì muốn thành công, Việt Nam phải xây dựng những kế hoạch quảng bá, tiếp thị một cách nhất quán và có chất lượng cao, đồng thời tìm ra các cách thức quảng bá mới.
Là một người am hiểu văn hóa Việt, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao Saadi Salama cho rằng, Việt Nam nên mời những ngôi sao, người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, phóng viên các kênh truyền hình lớn, đầu bếp... đến để trải nghiệm và thực hiện các chương trình thực tế. “Với tầm ảnh hưởng rất lớn của họ trên mạng xã hội, các nền tảng số…, tôi tin hiệu ứng truyền thông sẽ vượt trội và chắc chắn hình ảnh Việt Nam sẽ đến với công chúng các nước rộng rãi và thuyết phục hơn. Thử tưởng tượng nếu Arab Idol Mohammad Assaf với lượng người theo dõi lên tới con số hàng chục triệu thực hiện quay một bài hát tại Vịnh Hạ Long thì số người biết đến kỳ quan này của Việt Nam sẽ nhiều thế nào!”, Đại sứ Saadi Salama nói. Ông cũng nhắc tới phóng sự “Việt Nam - Một đất nước đấu tranh và phát triển” của phóng viên Hazem Abuwatfa được phát trên kênh truyền hình Al-Jazeera bởi thông qua chương trình này, đất nước Việt Nam với vẻ đẹp cuốn hút và nhiều điều thú vị đã đến gần hơn với người dân các quốc gia Arab. Đại sứ cho biết, thời gian qua, số người Palestine quan tâm và mong muốn đến Việt Nam du lịch đã tăng cao đột biến.
Trong hành trình đưa văn hóa Việt Nam ra quốc tế, một trong những nút thắt lớn là cơ chế tài chính. Hiện đầu tư trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta mới chỉ chú trọng từ nguồn Chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Từ câu chuyện thành công của Hàn Quốc, chúng ta cần thay đổi tư duy để huy động một cách hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn nhằm tạo nên những “quả đấm thép” trên sân chơi công nghiệp văn hóa, xuất khẩu văn hóa. Có như vậy chúng ta mới tạo được nguồn lực dài hơi, bền vững để tự tin trên con đường còn nhiều thách thức này.
Tâm đắc với vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) Nguyễn Viết Chức chia sẻ: “Thử nghĩ mà xem, nếu lĩnh vực công nghiệp văn hóa, xuất khẩu văn hóa của ta có sự tham gia của những tập đoàn lớn với tầm nhìn sâu rộng, định hướng bài bản, cách triển khai đâu ra đó thì sẽ có bước tiến vững chắc như thế nào trong việc tiếp thị hình ảnh ra quốc tế”.
Khi xuất khẩu văn hóa còn là một lĩnh vực rất mới mẻ với chúng ta thì rất nhiều quốc gia đã có những bước tiến dài. Do đó, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh giao lưu, kết nối với các nước thông qua những chương trình hợp tác văn hóa, tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng tầm nhìn, thay đổi phương thức sáng tạo có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới. Việt Nam cũng cần chủ động đăng cai các sự kiện văn hóa uy tín trong khu vực và quốc tế để vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc và giới thiệu các sản phẩm văn hóa chất lượng cao của Việt Nam. Bên cạnh đổi mới liên tục, mở rộng hợp tác quốc tế còn là kênh hiệu quả để xác định động lực thị trường nhằm cung cấp những sản phẩm phù hợp và tìm “đường ra” cho các sản phẩm văn hóa nước nhà.
Trong nỗ lực này, chúng ta cũng cần có những cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia của kiều bào ở nước ngoài cho việc quảng bá văn hóa đất nước. Một đặc điểm nổi bật là người Việt dù sinh sống ở đâu, làm công việc gì đều dành tình yêu lớn cho quê hương, tự hào là một người con của dân tộc. Cộng thêm những lợi thế dồi dào về học vấn, kỹ năng, kỹ thuật…, kiều bào ta ở khắp năm châu là nguồn lực quan trọng có thể đóng góp hiệu quả cho các hoạt động đưa văn hóa Việt ra thế giới.
Câu chuyện của nhạc sĩ Hoàng Thu Trang, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Hiệp hội phát triển văn hóa ART SPACE tại Pháp mang đến nhiều gợi mở. Trong 5 năm qua, dự án “Tourcher Arts” có sự tham gia của các du học sinh, bạn trẻ gốc Việt do ART SPACE triển khai với nhiều hoạt động hội thảo, hòa nhạc, triển lãm… về văn hóa Việt Nam tại nhiều địa phương của Pháp đã có những thành công ấn tượng khi nhận được sự chào đón, ủng hộ rộng rãi của chính quyền và người dân sở tại.
“Chúng tôi mong muốn hình ảnh về đất nước, con người, du lịch, ẩm thực, nghệ thuật, văn hóa Việt Nam được lan tỏa rộng rãi, truyền cảm hứng, thắt chặt sợi dây gắn kết với quê hương và lòng tự hào dân tộc của những bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Chính các bạn ấy sẽ lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa Việt tới bạn bè Pháp và quốc tế”, chị Trang chia sẻ.
Đặc biệt, để tạo ra sức bật và những bước tiến vững chắc cho ngành kinh tế xuất khẩu văn hóa còn non trẻ, chúng ta cần xác định các điểm đột phá từ những trụ cột như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…Là thành phố lớn nhất đất nước, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, Hà Nội nắm giữ mọi điều kiện, yếu tố cần thiết để trở thành khâu đột phá về xuất khẩu văn hóa. Lưu giữ dấu ấn lịch sử hơn nghìn năm tuổi, Hà Nội sở hữu nguồn tài nguyên vô giá về văn hóa, cảnh quan, ẩm thực… Thành phố cũng là một trong những trung tâm kinh tế lớn trọng điểm của cả nước nên có nhiều thuận lợi về nguồn lực tài chính.
Với vị trí không thể thay thế, trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội được xác định là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước. Thể hiện vai trò tiên phong, chỉ 3 năm sau khi Chính phủ đưa ra “lời hiệu triệu” về phát triển công nghiệp văn hóa bằng một chiến lược toàn diện, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Hướng tới mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, thành phố cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU). Nhờ những chuyển động nhanh chóng, những định hướng kịp thời, Hà Nội hiện nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu đất nước, có nhiều thương hiệu, sản phẩm văn hóa uy tín, khả năng cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, thành phố cũng có ưu thế vô cùng lớn về nguồn lực con người với trên 51,7% dân số trẻ, có nhiều cơ sở đào tạo uy tín, là nơi tập trung nhiều đoàn nghệ thuật của Trung ương và địa phương, điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ tài năng, hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa… Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là những tiền đề thuận lợi để Hà Nội có khả năng đi đầu, giữ vai trò dẫn dắt trong các hoạt động xuất khẩu văn hóa. Việc tổ chức thành công hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink với lượng khán giả khổng lồ chật kín sân vận động Mỹ Đình một lần nữa cho thấy năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế lớn của Thủ đô, đồng thời tiếp tục khẳng định hình ảnh Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, một điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh: “Phải có những biện pháp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ đó định vị thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội một cách có uy tín, xác định vị trí của Thủ đô trên trường quốc tế”.
Với những biện pháp tổng thể, chúng ta đang hy vọng vào một ngày không xa, Việt Nam sẽ xác lập một vị trí xứng đáng trên bản đồ các quốc gia xuất khẩu văn hóa mạnh của thế giới để bản sắc văn hóa Việt có thể tỏa sáng. Mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều là một phần của khát vọng ấy bởi hơn ai hết, từng người trong chúng ta là một sứ giả của nền văn hóa đất nước. Vì vậy, hãy thường xuyên bồi đắp, làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc và tự hào, tự tin giới thiệu tới bạn bè thế giới để Việt Nam có thể chinh phục trái tim của bất kỳ ai như đã gieo tình yêu với đầu bếp quá cố người Mỹ Anthony Bourdain: “Việt Nam: Nó nắm lấy tay bạn và không để bạn đi. Một khi bạn yêu Việt Nam, bạn sẽ yêu Việt Nam mãi mãi. Tôi đã đến đây từ năm 2000. Ngay từ lần đầu tiên đến nơi này, Việt Nam đã giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim và tâm trí tôi”./.
LTS: Xuất khẩu văn hóa - Con rồng chưa được đánh thức
+ Bài 1: Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội
+ Bài 2: Gian nan đường ra “biển lớn”
+ Bài 3: Trông người để ngẫm đến ta...
+ Bài 4: Gỡ bỏ những nút thắt
+ Bài 5: Thúc đẩy làn sóng văn hóa “Made in Việt Nam”
Bài viết: Nhóm phóng viên
Ảnh: Quỳnh Dương, Trang Phạm, Nam Nguyễn và CTV
Thiết kế: Hoàng Trà
* Trong bài có sử dụng một số tư liệu do bạn bè và đồng nghiệp cung cấp