Công nghiệp văn hóa

Bài 4: Gỡ bỏ những nút thắt

Nhóm phóng viên 10/08/2023 20:00

Nhìn những bước tiến dài của các nước bạn mới thấy rằng chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của hành trình đưa văn hóa dân tộc ra thế giới.

cover-gobonutthat-5-.png

Nhìn những bước tiến dài của các nước bạn mới thấy rằng chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của hành trình đưa văn hóa dân tộc ra thế giới. Làm sao để bản sắc văn hóa Việt nổi bật và dễ nhận diện hơn? Đến bao giờ những sản phẩm văn hóa của ta có tầm ảnh hưởng rộng rãi, tạo thành những trào lưu hâm mộ toàn cầu?


gobo-01.png

   Quá trình chuẩn bị cho loạt bài về công nghiệp văn hóa, xuất khẩu văn hóa nước nhà nói chung, Hà Nội nói riêng, chúng tôi càng đi sâu tìm hiểu càng nhận thấy một thực tế đáng buồn là ta đang bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp thị hình ảnh, đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Câu chuyện đầy trăn trở của Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Nhất Hoàng vào thời điểm phim Đảo đầu lâu - Skull Island dựng một số bối cảnh tại Việt Nam là ví dụ.

a.jpg

Trong nhiều lần trò chuyện với ông, đạo diễn Jordan Charles Vogt-Roberts cho biết, bản thân bị mê hoặc bởi cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ của Việt Nam, thực sự “vì yêu mà đến” chứ không nhận được chính sách khuyến khích đáng kể nào. Điều này dường như đi ngược lại với số đông quốc gia đang rộng mở cơ chế “trải thảm đỏ” hòng tranh thủ sức ảnh hưởng của bộ môn nghệ thuật thứ bảy trong việc quảng bá văn hóa, con người bản địa. Rõ ràng nếu có chính sách tốt, bên cạnh lợi thế sẵn có về thiên nhiên, di sản, kiến trúc, ẩm thực…, nước ta hoàn toàn có thể trở thành điểm đến của các đoàn làm phim trên thế giới, đồng nghĩa với việc con đường giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam độc đáo sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

Chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài là ưu đãi sản xuất phim. Theo kinh nghiệm quốc tế, đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức hoàn tiền trung bình từ 20-25% chi phí sản xuất tại địa phương.

-Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan-

Nhìn lại việc quảng bá văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng thừa nhận, chúng ta còn thiếu cơ chế, chính sách nên việc “định vị thương hiệu” hầu như vẫn trông vào sự tự vận động của các tổ chức, cá nhân. Đạo diễn phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” Hà Lệ Diễm chia sẻ, từng rất căng thẳng sau hàng chục lần bị từ chối hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí trước khi nhận được cái gật đầu từ Quỹ điện ảnh Busan và sau đó là một số quỹ khác trong khu vực châu Á, để có tiền chi trả cho các khâu dịch tiếng Mông, dựng phim, hậu kỳ… “Khó khăn lớn nhất luôn là vấn đề tài chính. Thời điểm bị từ chối nhiều, tôi đã rất nản, kiểu như: Ôi không có kinh phí thì làm sao giờ?”, đạo diễn Hà Lệ Diễm bày tỏ.

Sau khi hoàn thành, “Những đứa trẻ trong sương” - lát cắt chân thực về đời sống văn hóa của người Mông ở Sapa đã có hành trình quảng bá đáng ngưỡng mộ khi góp mặt tại gần 100 liên hoan phim thế giới, ra mắt tại nhiều rạp của Mỹ, Hà Lan, Singapore…, giành 34 giải thưởng và đề cử như: “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam; “Giải thưởng của Ban giám khảo” tại Liên hoan phim quốc tế Hong Kong..., hay gần đây nhất là Top 15 phim tài liệu xuất sắc nhất Oscar 2023.

Hà Lệ Diễm trở thành đạo diễn Việt Nam đi xa nhất ở giải thưởng danh giá này. Từ câu chuyện của “Những đứa trẻ trong sương” nhìn lại các phim trong nước đã từng tạo được tiếng vang như: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân”, “Miền ký ức” … hay “Finding Phong” để thấy rằng, hầu hết các nhà làm phim đều tự “vượt vũ môn” mà không có sự hỗ trợ nào từ các cơ quan Chính phủ. Có một thực tế là các lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật hay nghệ thuật biểu diễn… cũng chung thực trạng này.

320686608_686753383008723_1293135319225277675_n-150840.jpg
Một cảnh trong phim "Những đứa trẻ trong sương"

Cần có kinh phí để đưa tác phẩm văn hóa ra thế giới, góp phần hỗ trợ, khích lệ tài năng sáng tạo, đồng thời định hướng chủ đề giới thiệu, quảng bá đúng, trúng, hiệu quả hơn.

-Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông-

Cùng mạch chuyện về công nghiệp văn hóa và xuất khẩu văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho biết đã đi, ngắm, ghi chép, nghiên cứu và nhận thấy có nhiều kinh nghiệm quý có thể áp dụng ở nước ta thay vì để “hữu xạ tự nhiên hương”, “mạnh ai nấy chạy” như hiện tại. Chẳng hạn như Hàn Quốc rất chú trọng sự tham gia của những doanh nghiệp mạnh hàng đầu đất nước bên cạnh các chính sách thông thoáng, gợi mở và đầy cảm hứng cho lực lượng sáng tạo. Trung Quốc có chính sách khuyến khích kể câu chuyện hay về đất nước - “Tell a good story about China” như một cách thúc đẩy sức lan tỏa văn hóa Trung Hoa ra thế giới… Nhiều quốc gia khác, dù có nền văn hóa lớn, sở hữu những khu du lịch nổi tiếng với lượng du khách khổng lồ hay nền kinh tế năng động thì các chiến dịch quảng bá từ nhiều hướng xúc tiến khác nhau vẫn diễn ra sôi động. Tại sao vậy? Câu trả lời chỉ có thể là: Họ không muốn dừng lại!         


goxbo-02.png

Cốt lõi của công nghiệp văn hóa là tạo ra những sản phẩm văn hóa mang “câu chuyện” đẹp về địa phương, vùng đất còn xuất khẩu văn hóa là cây cầu lan tỏa “câu chuyện” đó ra thế giới. Để làm được điều này, bên cạnh các chính sách nâng đỡ, thúc đẩy, mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân cần có tư duy, phản xạ về khai phá các ngành công nghiệp văn hóa, để tạo ra các sản phẩm vừa bảo đảm tính mới lạ, tính kế thừa, vừa gần gũi với các giá trị văn hóa đại chúng.

gobont-01.png

Vẫn nguyên tâm trạng hảo cảm, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Nhất Hoàng kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên gặp gỡ bạn trẻ người Pakistan tại Expo Dubai - 2021, người có thể hát toàn bộ ca khúc của ca sĩ Sơn Tùng M-TP bằng tiếng Việt chỉ vì quá yêu thích ca sỹ này qua Youtube. Phổ biến âm nhạc xuyên quốc gia, trừ Anh và Mỹ có truyền thống và lợi thế về sự phổ biến của tiếng Anh, các trường hợp khác phải có ngôn ngữ, vùng văn hóa chung như: Tiếng Arab tại Trung Đông, tiếng Tây Ban Nha tại Mỹ Latinh, Ấn Độ tại Nam Á hay tiếng Pháp trong Cộng đồng Pháp ngữ... Trường hợp hiếm hơn là hiện tượng phổ biến nhạc Hàn, lời Hàn thời gian qua hay trào lưu lan truyền những bài hát Nhật Bản cách đây 4-5 thập kỷ.

“Nói vậy để thấy, mang được bài hát Việt ra thế giới, tạo được sự đồng cảm, yêu thích như Sơn Tùng M-TP hay một số bạn trẻ khác là không đơn giản. Cần có cơ chế khuyến khích những người tiên phong, dẫn dắt. Tất nhiên, đi kèm với đó là vô vàn câu chuyện về bản quyền, ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh…”, ông Trần Nhất Hoàng nói.

18.jpg
Hình ảnh Việt Nam trong phim của đạo diễn Victor Vũ.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Nhất Hoàng, cần tận dụng tri thức, kinh nghiệm của các cá nhân đã giành được những thành tựu nổi bật, tiêu biểu như: Charlie Nguyễn, Công Trí, Việt Tú… trong việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo, tạo lứa đạo diễn, biên kịch, nhà thiết kế thời trang không chỉ có bề dày, chiều sâu văn hóa mà còn không ngừng hoàn thiện mình. Ngành nào cũng làm được như vậy thì thành tựu mới bền vững.

gobont-02.png

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Khôi (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, điều chúng ta cần làm là kêu gọi, truyền cảm hứng để giới trẻ - nguồn nhân lực đầy sáng tạo và triển vọng cùng tham gia đồng hành, đóng góp, bởi họ chính là những người sẽ mang Việt Nam ra thế giới. Những chuyển động đầy tích cực của di tích Nhà tù Hỏa Lò thời gian qua đã chứng minh giới trẻ Việt rất yêu văn hóa, rất tự hào về bản sắc chứ không hề thờ ơ. Họ luôn sẵn sàng học hỏi, khám phá, để tìm ra những cơ hội mới, bài học mới, đồng thời tìm ra ý nghĩa về việc là một người con của dân tộc Việt Nam.

VIDEO: CNN giới thiệu về Việt Nam tại EXPO Dubai 2020.

Một đề xuất khác, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý là “chú trọng đến vấn đề tự tin văn hóa”, bởi phải tự tin, ta mới mạnh dạn giới thiệu những giá trị bản sắc riêng có với thế giới, từ đó thu hút bạn bè, đối tác. Cùng với sự phát triển của đất nước, chúng ta đang có một thế hệ tương đối tự tin, nhưng để giá trị này bộc lộ rõ nét thì còn cần nhiều giải pháp để khuyến khích, nuôi dưỡng, phát huy nó.

“Mới đây, trong khi giới thiệu với các phóng viên kênh CNN tại Expo Dubai về rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của quốc gia, tôi đã đề cập đến đổi mới sáng tạo của Việt Nam với ví dụ tiêu biểu là đôi giày tái chế từ bã cà phê và chai nhựa của cặp du học sinh Việt Nam tại Phần Lan. Sau cuộc gặp này, đoàn làm phim của CNN đã cử người đến Phần Lan để thực hiện phóng sự và đưa lên chương trình đổi mới sáng tạo của họ với phần mở đầu “Tôi đến nhà triển lãm Việt Nam ở giữa Expo Dubai, bên cạnh tre nứa, âm nhạc truyền thống tôi không tin rằng họ có đổi mới sáng tạo…”. Đến ngay cách tiếp cận của họ cũng cho thấy, họ không tin chúng ta có điều đó, nếu chúng ta không có sự tự tin, thì sao chúng ta có thể kể câu chuyện hay về đất nước mình cho họ? Tôi chắc chắn chúng ta có hàng trăm ngàn câu chuyện như thế đang chờ để được kể!”, ông Trần Nhất Hoàng nói.

Bài 3: Trông người lại ngẫm đến ta...

Bài cuối: Thúc đẩy làn sóng văn hóa “Made in Việt Nam”

   

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Gỡ bỏ những nút thắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.