Tọa lạc gần nhiều khu chung cư, trường học, dự án khu dân cư mới và khu đất dịch vụ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), diện tích gần 20ha, được xem là "khu đất vàng", với vị trí đắc địa. Tuy nhiên, dù có quyết định đầu tư xây dựng từ năm 2013, nhưng đến nay, dự án vẫn dở dang và đang bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng và đổ rác, phế thải.
Có mặt tại khu dân cư mới và khu đất dịch vụ phường Vạn Phúc, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến sự ô nhiễm nghiêm trọng tại đây. Đường dẫn vào khu đất này phủ một lớp bụi dày nên khi những xe ô tô tải trọng lớn và cả xe ba gác vận chuyển vật liệu xây dựng ra vào khu đất thì bụi lại cuốn tung mù mịt. Người dân khu vực cho biết, không ít vụ va chạm, tai nạn đã xảy ra giữa xe chở vật liệu xây dựng và người đi đường. Đi sâu vào trong khu đất dự án dân cư mới và khu đất dịch vụ, phía sau những tấm tôn quây quanh khu đất là những đống cát, gạch, xi măng được chất cao chờ đi tiêu thụ.
Tại nhiều khu đất trống còn có tình trạng rác, phế thải chất đống, tràn xuống lòng đường khiến không khí ô nhiễm nặng nề. Cạnh dự án khu dân cư mới, khu đất dịch vụ có vài căn nhà được xây, còn lại đất vẫn bỏ hoang. Bà Hồng ở Khu đô thị Văn Khê gần đó cho biết: "Dự án này thu hồi đất và quây tôn từ gần hai chục năm qua, nhưng không hiểu sao đất thì vẫn để hoang mà ô nhiễm thì ngày càng gia tăng".
Dự án khu dân cư mới và khu đất dịch vụ Vạn Phúc thu hồi đất nông nghiệp với diện tích 18,87ha từ trước năm 2010. Đến nay, khu đất dịch vụ đều đã có chủ nhưng chỉ số ít hộ xây dựng nhà ở, còn lại vẫn bỏ đất trống. Khu đất dân cư mới thì bỏ hoang hoàn toàn, thành nơi tập kết, kinh doanh vật liệu, trông giữ xe ô tô và tập kết rác, phế thải. Từ năm 2013, UBND quận Hà Đông có Quyết định số 9140/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phường Vạn Phúc với mục tiêu “giải quyết nhà ở giãn dân của phường Vạn Phúc, tạo ra một khu dân cư mới theo quy hoạch đô thị tiêu chuẩn loại 1, cải thiện môi trường hạ tầng đô thị trong vùng”. Diện tích xây dựng được hoạch định quy mô hơn 291.000m2 gồm các hạng mục hạ tầng san nền, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, xây dựng hồ điều hòa. Tổng mức đầu tư ước tính hơn 785 tỷ đồng, nguồn vốn từ các hộ được bố trí đất giãn dân, ngân sách hỗ trợ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Ngày 29-7-2014, UBND quận Hà Đông ban hành Quyết định số 6239/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phường Vạn Phúc trên diện tích đất 18,87ha, loại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III với tổng mức đầu tư hơn 741 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 524 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 170 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến 2019. Hai năm sau đó, ngày 2-7-2016, UBND quận tiếp tục ban hành Quyết định số 5224/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phường Vạn Phúc với mức dự toán xây dựng công trình là hơn 188 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 157 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa hoàn tất.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Hà Đông Nguyễn Trần Minh Anh cho biết, do có sự thay đổi về chủ trương, chính sách nên dự án đến nay chưa triển khai. Quận và phường đã cho quây tôn kín bảo vệ đất dự án nhưng việc vứt trộm phế thải đã làm đổ nhiều chỗ quây tôn. Về việc kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép trên đất dự án, xuất phát ban đầu có 2 bãi tập kết vật liệu chuẩn bị xây dựng dự án, sau đó một số người thuê đất kinh doanh vật liệu xây dựng bên khu đất dịch vụ đã lấn sang khu đất dự án dân cư mới để kinh doanh quy mô như hiện nay.
Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Khanh, vừa qua, phường và quận đã phối hợp xử lý vi phạm, giải tỏa hơn 1.000m2 đất dự án bị chiếm dụng kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép. "Chúng tôi đang tiếp tục xử lý vi phạm và liên tục tổ chức dọn đất, rác thải đổ tại khu đất dự án nhưng việc đổ trộm khó kiểm soát nên cũng gặp khó khăn trong giải quyết triệt để vấn đề này", ông Nguyễn Văn Khanh nói.
Để tránh lãng phí tài nguyên đất kéo dài, giải quyết dứt điểm những vi phạm trật tự đô thị, các cơ quan thẩm quyền liên quan cần sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, hoàn thiện dự án đúng với mục tiêu đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.