Xây & Chống

Phương thuốc trị cán bộ né trách nhiệm

Đức Tâm 17/06/2024 - 06:13

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ, một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.

Tình trạng cán bộ, đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm, né việc, chọn việc dễ, bỏ việc khó để được an toàn khiến các mặt công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương không đạt hiệu quả, tiến độ, gây ra sự trì trệ, hệ lụy khôn lường.

Điều dễ nhận thấy là tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chậm chạp, ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công do cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, khiến nhiều công trình, dự án không hoàn thành đúng tiến độ, cho dù Thủ tướng Chính phủ nhiều lần đôn đốc, nhưng mức độ chuyển biến còn chậm.

Tình trạng sợ trách nhiệm, né trách nhiệm tại các cơ quan công quyền đã có từ lâu, với mức độ khác nhau. Biểu hiện của căn bệnh này rất đa dạng, nhưng rõ nhất là tình trạng cán bộ không dám đưa ra quyết sách, chính kiến, không dám đảm nhận việc khó. Ở mức cao hơn, đó là làm sai nhưng không đứng ra nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan, cho hoàn cảnh, đùn đẩy trách nhiệm cho đơn vị khác, cho người khác.

Căn bệnh sợ trách nhiệm, né trách nhiệm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp. Đấu tranh ngăn chặn căn bệnh này cần có phương thuốc đặc trị.

Theo các chuyên gia, cơ chế phối hợp trong công tác ở lĩnh vực công chưa cụ thể, rõ ràng… là một trong những căn nguyên khó truy trách nhiệm, “đẻ” ra tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc đánh giá cán bộ theo cảm tính, theo mối quan hệ “thân thuộc” với cán bộ chủ trì hay tình trạng nể nang, né tránh khi đánh giá, nhận xét cán bộ cấp trên… chính là “chiếc ô” để cán bộ “né”, “đá” trách nhiệm.

Bởi thực tế cho thấy, nhiều người có tâm lý: “Đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Họ thích gần gũi cấp trên để vuốt ve, bợ đỡ rồi được cấp trên chỉ bảo, dìu dắt, tiến thân. Thực tế cũng cho thấy, không phải cán bộ nào cũng đủ bản lĩnh “nhận trách nhiệm về những việc làm sai” trước cấp trên, trước tập thể, bởi nếu làm như vậy chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, để thiên hạ nhìn thấy rõ sự yếu kém của mình. Điều ấy dễ khiến con đường thăng tiến của họ bị đứt gãy, dễ mất ghế, mất quyền, mất bổng lộc.

Để triệt tiêu thói dựa dẫm, ỷ lại và thiếu trách nhiệm, né trách nhiệm; trước tiên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần căn cứ vào Quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18-6-2022, đặc biệt là căn cứ vào quy chế làm việc của cấp ủy tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và thực tế công việc để phân công, theo đúng phương châm "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả). Khi đã giao việc, các cán bộ phụ trách phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết chỉ ra những yếu kém trong tổ chức, phối hợp thực hiện giữa các bộ phận, các thành phần. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.

Trong quá trình công tác, cấp ủy, cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên phát hiện sự chồng chéo, điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là sự ách tắc trong công tác phối hợp để tháo gỡ. Đồng thời, cấp ủy, người chủ trì cũng cần phát hiện ra những cán bộ, công chức có tư tưởng, hành vi cản trở, gây khó khăn, chây ỳ trong công tác. Cùng với đó là phát hiện những cá nhân tích cực, nhân tố mới có năng lực để sử dụng.

Một trong những giải pháp căn cơ đó là phải phân loại, đánh giá cán bộ, đảng viên sát thực bằng chất lượng, hiệu quả công việc. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ chủ trì cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định số 89-QĐ/TƯ ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ khi đi vào thực tiễn, Quy định số 89-QĐ/TƯ đã phần nào chấm dứt một số bệnh trầm kha như: Bệnh thành tích, bệnh đổ lỗi...

Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng né trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm, mới đây, ngày 23-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 148-QĐ/TƯ về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khoản 2, Điều 4, Chương II của Quy định số 148-QĐ/TƯ chỉ rõ, cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao là căn cứ để tạm đình chỉ công tác. Thủ tục tạm đình chỉ công tác được tiến hành nhanh chóng. Nếu có đủ căn cứ xác định cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thì chậm nhất sau 2 ngày làm việc, người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

Như vậy, chế tài mới cho phép người đứng đầu mạnh tay với những kẻ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” với tư tưởng “cầu an, hưởng lợi” hay “ngồi im để an toàn”. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Suy cho cùng, tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né trách nhiệm đều xuất phát từ công tác cán bộ yếu kém. Nếu công tác này được các cấp ủy Đảng làm tốt thì sẽ đánh giá, chọn lựa được những cán bộ tài đức, có năng lực, có tâm ý cống hiến, sáng tạo trong công tác. Cùng với đó cần kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành sự phân công hoặc lợi dụng việc thực hiện đề xuất để né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để bộ máy thực sự trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương thuốc trị cán bộ né trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.